Krông Pa – Những điểm đến lịch sử

Cập nhật 28/1/2021, 10:01:55

Huyện Krông Pa có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh; là nơi tiếp giáp giữa ba tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk và Phú Yên; nối liền Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung. Vốn giàu truyền thống yêu nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhân dân các dân tộc Krông Pa đã anh dũng lập nên những thắng lợi vẻ vang trong kháng chiến và trong giai đoạn cách mạng mới. Nhiều địa danh ở Krông Pa mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc về một thời anh dũng, hào hùng rất đỗi vinh quang, tự hào của các thế hệ cha anh.

Mở đầu chuyến đi tìm hiểu cội nguồn cách mạng ở vùng đất Krông Pa vào dịp xuân mới, chúng tôi đến trụ bia bằng bê tông tại thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm. Theo lời kể của những người lớn tuổi, đây là trụ bia được Pháp xây dựng sau khi bị bộ đội ta phục kích, chặn đánh trên đường đi chi viện cho đồn Mlah. Sự anh dũng chiến đấu của quân và dân nơi đây góp phần làm thất bại chiến tranh xâm lược của Pháp trên chiến trường Tây nguyên. Trên bia có khắc 2 thứ tiếng là tiếng Pháp và tiếng Việt. Tuy nhiên, hiện tại chữ trên bia đã không còn.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Tôi đi xuống các buôn và được các thế hệ trước kể lại là nơi đây đã xảy ra một trận đánh ác liệt lắm. Thời đó, Pháp bắt người dân tộc Jrai, người dân tộc Ê Đê vừa mở con đường đèo, vừa phải làm cái bia này, chứ thực ra Pháp không làm đâu. Tôi mong muốn rằng, các cấp, các ngành hãy quan tâm và hãy tôn tạo, sửa sang lại cái bia tưởng niệm này để giáo dục thế hệ trẻ, cho con cháu biết được rằng cha ông của chúng ta đã phải hy sinh để giành lại độc lập, tự do”.

Tiếp đó, chúng tôi đến nơi thành lập Huyện ủy và Huyện đội của huyện H2 (tiền thân của các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa ngày nay). Cùng đi với chúng tôi là ông Kpă Xuân và ông Rah Lan Bin từng là những người lính đã sống và chiến đấu tại khu căn cứ H2. Khu căn cứ nằm trong khu rừng sâu. Bắt đầu từ trung tâm xã Ia Rsai, sau hơn 1 giờ đồng hồ bằng xe máy, chúng tôi đã xuyên qua những khu rừng già, vực thẳm rồi tiếp tục đi bộ gần 2 giờ đồng hồ vượt qua những con suối, những bãi đá, vách đá cheo leo, trơn trượt in đậm dấu chân của những người lính năm xưa mới đến được nơi trước đây là trụ sở Huyện ủy và các ban, ngành huyện H2. Nơi đây, năm xưa là khu ăn ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và địa điểm rèn vũ khí, diễn ra các cuộc họp bàn tác chiến đánh địch. Do lớp bụi của thời gian nên hiện tại những chứng tích của lịch sử không còn nhiều.

Ông Kpă Xuân – Cựu chiến binh, huyện Krông Pa, Gia Lai xúc động nói: “Trước đây khổ lắm, một trung đội chỉ có 1, 2 lon gạo rồi trộn với mì, với bắp, chủ yếu là ăn mì, ăn bắp; có mì và bắp cũng là nhờ bà con mang lên, Huyện đội cũng có tự túc sản xuất một ít, nhưng chủ yếu là bà con giúp đỡ. Đi chiến đấu thì chỉ có miếng cơm nắm, đi xuống dưới Quốc lộ 25 bây giờ đấy, trước đây gọi là Đường 67, từ đây lên đó rất xa. Bị thương thì từ dưới đó khiêng lên đây, bệnh viện thì xa, thậm chí là 1, 2 ngày mới lên tới; còn thuốc men thì thiếu, chưa đầy đủ như bây giờ. Khi trở lại khu căn cứ xưa tôi rất vui, vì may mắn sống sót và được trở lại đây; phong cảnh ở đây thì cũng mát mẻ, đẹp đẽ, không có ai phá phách, nên tôi thấy cũng mừng. Chắc lần này là lần cuối tôi trở lại đây vì tuổi cũng cao, sức cũng yếu rồi”.

Chia tay với nơi thành lập Huyện ủy và Huyện đội của huyện H2, chúng tôi đến xã Đất Bằng, cách trung tâm huyện Krông Pa 18 km về phía Đông. Nơi đây, vào ngày 10 tháng 8 năm 1947, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện H2 được thành lập, gồm các đồng chí: Ksor Ní – Bí thư; Rơ Chăm Thép – Phó Bí thư và Rơ Chăm Buk – Ủy viên. Nhằm giữ gìn các giá trị lịch sử, cũng như để giáo dục thế hệ trẻ, tháng 11 năm 2019, huyện Krông Pa đã xây dựng Khu lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện H2 với diện tích gần 1,8 ha gồm các hạng mục: Nhà bia, nhà trưng bày, hồ sen, cầu kiều, kè đá, tái hiện quá trình hoạt động của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện H2 tiền thân của Đảng bộ các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa ngày nay.

Ông Rơ Ô Blia – Cựu chiến binh xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, Gia Lai bồi hồi chia sẻ: “Chỗ thành lập chi bộ đầu tiên của huyện H2 là tại suối Ka Lui, thuộc vùng Chư Gai của buôn Ama Hing cũ. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm và xây dựng Khu lưu niệm chi bộ đầu tiên của huyện H2 tại buôn Ia Rnho, đối với bản thân tôi thấy rất ý nghĩa, để giáo dục thế hệ trẻ”.

Bà Trần Thị Mỹ Hiền – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Với một huyện được công nhận là huyện Anh hùng như huyện Krông Pa thì mong muốn thời gian tới, những chứng tích về chiến tranh được lập thành di tích lịch sử để làm điểm đến du lịch, quan trọng nhất là có cơ sở giáo dục con cháu mai sau. Thứ hai là để cho các cụ nhìn thấy được những công lao đóng góp của mình trong thời chiến, những giá trị lịch sử là bài học quý báu nhắc nhở thế hệ trẻ về những năm tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường của cha ông ta để có được sự độc lập, tự do như ngày hôm nay”.

Với bề dày truyền thống lịch sử cách mạng và hội tụ nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa các dân tộc, cùng với những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, hữu tình ở Krông Pa là những điểm đến du lịch lịch sử-văn hóa-thiên nhiên hấp dẫn, thú vị. Khi được “đánh thức” tiềm năng, Krông Pa sẽ in đậm dấu ấn trong bản đồ du lịch của Gia Lai./.

CTV Nguyên Anh – Sơn Trung (Huyện Krông Pa)


Lượt xem: 251

Trả lời