Dấu ấn văn hóa thị xã Ayun Pa trong năm 2022

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:54

Trong năm 2022, lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao của thị xã Ayun Pa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19. Đặc biệt, trong năm qua, thị xã Ayun Pa đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao gắn với phát triển du lịch để người dân, du khách có cơ hội được tiếp cận và tìm hiểu vùng đất Ayun Pa giàu bản sắc văn hóa, đang phát triển từng ngày.

Điểm nhấn của ngành Văn hóa-Thể thao thị xã Ayun Pa trong năm 2022 là tổ chức thành công chương trình Ngày hội văn hoá các DTTS thị xã Ayun Pa lần thứ II với nhiều hoạt động như đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, đặc biệt là hoạt động diễn xướng cồng chiêng của 8 đoàn nghệ nhân đến từ các địa phương trên địa bàn thị xã. Ngày hội đã biểu diễn nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa, nhận được sự quan tâm và thu hút hàng ngàn lượt người đến tham quan, trải nghiệm.

Chị Ksor H’Bin – Phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa chia sẻ: “Là  người Tây Nguyên, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ayun Pa, tôi rất tự hào vì hôm nay được chứng kiến văn hóa của người Jrai như các hoạt động đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm ..đây là nét văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Trước đây, chỉ nghe bà kể về các nét văn hóa này, hôm nay được chứng kiến tại đây tôi cảm thấy rất tự hào và may mắn vì hôm nay được tham dự lễ hội này. Hy vọng, các bạn người Jrai dù ở đâu cũng nên lưu giữ bản sắc văn hóa của mình”.

Cùng với nỗ lực của cấp uỷ Đảng, chính quyền, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc cũng được nhiều thế hệ người dân trên địa bàn thị xã Ayun Pa tham gia. Theo thống kê, hiện trên địa bàn thị xã vẫn còn 13 bộ chiêng cổ đều do người dân, các nghệ nhân, già làng tại các bôn làng đồng bào dân tộc thiểu số lưu giữ. Ngoài ra, thế hệ trẻ cũng tâm huyết với giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình bằng nhiều hình thức, gắn bảo tồn giá trị văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng.

Chị Ksor H’Nhi, Chủ nhiệm CLB “Giữ gìn và nối tiếp những giá trị văn hóa Jrai” chia sẻ: “Mục đích của dự án là nhằm khôi phục và giữ gìn giá trị văn hóa của người Jrai và sử dụng cái giá trị văn hóa này để phát triển kinh tế địa phương. CLB là bước khởi đầu để mọi người dần quen với việc khôi phục lại các lễ hội, văn hóa của người Jrai. Trong tương lai tôi có kế hoạch phát triển tour trải nghiệm trên chính quên hương mình để du khách có thể tìm hiểu về văn hóa của người Jrai, và chính người địa phương sẽ là những người được hưởng lợi”

Hằng năm thị xã Ayun Pa cũng đều tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, nhằm giúp thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần đưa hoạt động sinh hoạt, giao lưu văn hóa cồng chiêng ở địa phương ngày càng phát triển sâu rộng, phục vụ hiệu quả nhu cầu, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn.

Em Nay H A – Học sinh lớp 7a, Trường THCS Dân tộc nội trú thị xã Ayun Pa bày tỏ: “Học cồng chiêng ở trường em cảm thấy rất thích, đây là nét văn hóa truyền thống của dân tộc em, sau khi về buôn làng, em sẽ tham gia vào hướng dẫn cho các em không biết để phát huy thêm truyền thống của buôn làng.”

Ông Lại Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao thị xã Ayun Pa cho biết: “Để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã. Thì chúng tôi ngoài việc tuyên truyền sâu rộng, trong các chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ các ngày lễ lớn, biểu diễn phục vụ người dân trong chương trình Tết nguyên đán, chúng tôi đều lồng ghép các tiết mục biểu diễn cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc nhằm phục vụ nhân dân. Ngoài ra, trong năm tới chúng tôi sẽ tham mưa UBND thị xã tổ chức chương trình diễn xướng cồng chiêng mỗi tháng 1 lần ngay tại Quảng trường trung tâm thị xã góp phần đưa hoạt động sinh hoạt, giao lưu văn hóa cồng chiêng ở địa phương ngày càng phát triển sâu rộng, phục vụ hiệu quả nhu cầu, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn. ”

Dịp Tết cổ truyền cũng là mùa lễ hội của đồng bào các dân tộc Jrai nói riêng và Tây Nguyên nói chung náo nức diễn ra. Và âm vang cồng chiêng giờ đây không chỉ xuất hiện trong các lễ hội đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar mà ngân nga, vang vọng hoà cùng không khí xuân và tết cổ truyền của cả dân tộc Việt Nam./.

CTV Nguyễn Sang (Thị xã Ayun Pa) 


Lượt xem: 8

Trả lời