Gia Lai không để mất rừng khi xây dựng dự án Sân Golf Đăk Đoa

Cập nhật 19/12/2020, 15:12:52

Liệu rằng rừng Đăk Đoa có bị mất khi Gia Lai triển khai xây dựng dự án Sân Golf Đăk Đoa? Đây là vấn đề đang được dư luận quan tâm trong những ngày gần đây. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thời sự của Đài PT-TH Gia Lai đã tìm hiểu thực tế để cung cấp đến quý khán giả những thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

 

Theo thông tin từ UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Sân Golf Đăk Đoa là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định 1946 ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Dự án này phùhợp với  quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cũng như một số quy hoạch về  phát triển du lịch, kế hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Gia Lai…Khu vực thực hiện Sân golf Đak Đoa có diện tích 174,01 ha thuộc địa phận các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đăk Đoa thuộc huyện Đăk Đoa, trong đó diện tích đất có rừng là 155,93 ha, diện tích đất chưa có rừng 18,08 ha.  Sân Golf Đăk Đoa có tổng kinh phí thực hiện dự án trên 1.141 tỷ đồng. Dự án triển khai với thời hạn thuê đất là 50 năm. Dự án nằm trên một phần khu vực rừng thông trồng khoảng từ năm 1976 đến nay. Chính vì vị trí sân golf Đăk Đoa thuộc khu vực rừng thông trồng lâu năm, nên có một số ý kiến lo ngại, liệu khi triển khai dự án thì  có bị mất đi rừng thông này không (?)

Ông Nguyễn Văn Hoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết “Về triển khai xây dựng Sân Golf Đăk Đoa, chúng tôi khẳng định rằng việc triển khai xây dựng dự án Sân Goll Đăk Đoa sẽ không làm mất đi diện tích  rừng thông hiện nay. Quan điểm của tỉnh đã quán triệt đến các cấp, các ngành là phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường. Vì vậy khi triển khai thực hiện dự án này, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu nhà đầu tư cam kết không được đốn hạ cây thông mà chỉ di thực vào vị trí hợp lý.  Đồng thời khi thực hiện dự án, nhà đầu tư phải nộp số tiền đấu giá sử dụng đất và trả tiền để trồng rừng thay thế đối với diện tích thực hiện dự án. Vì vậy không có chuyện mất rừng mà thậm chí còn được trồng thêm.”

Như vậy, quan điểm của tỉnh Gia Lai đã rất rõ ràng rằng là, không để mất rừng khi triển khai xây dựng dự án Sân Golf Đăk Đoa. Trong quá trình di thực một số cây thông ở các vị trí lỗ gôn, tỉnh cũng như huyện Đăk Đoa cũng đã có những phương án dự phòng cho việc trồng mới đối với một số cây thông trong quá trình di thực cây bị chết, song cam kết rằng tỷ lệ này là không nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Thọ – Bí thư Huyện ủy Đăk Đoa trao đổi: “Trong quá trình làm việc, địa phương và nhà đầu tư đã thực hiện các thỏa thuận cũng như cam kết, chủ yếu di dời cây thông để tạo sân golf và các công trình phụ trợ, đồng thời giữ nguyên đồi cỏ hồng. Có thể một vài cây thông sau khi di dời đến vị trí mới có thể bị ảnh hưởng thì chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư cam kết thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ là mất 1 cây thì phải trồng lại 3 cây và diện tích trồng rừng đã có bố trí. Tôi cho rằng diện tích bị ảnh hưởng không lớn, nếu có sẽ có kế hoạch trồng bù. Như vậy rừng vẫn còn và kinh tế vẫn tiếp tục phát triển.”

Ngoài ra, căn cứ theo tiêu chí hình thành sân golf là không được sử dụng đất thuộc quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng để xây dựng thì việc xây dựng Sân Golf Đăk Đoa là phù hợp, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng là phù hợp với các quy định hiện hành. Vì toàn bộ diện tích rừng thông dự kiến sử dụng làm Sân golf  Đăk Đoa đều nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp theo Nghị quyết số 100ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh về việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.

Với quan điểm rất rõ ràng của tỉnh Gia Lai là không để mất rừng khi xây dựng Sân Golf Đăk Đoa,  đồng thời phù hợp với tiêu chí hình thành sân golf và xét ở góc độ hiệu quả kinh tế, dự án Sân Golf Đăk Đoa sẽ đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước thông qua các khoản nộp ngân sách nhà nước, góp phần cải thiện kinh tế của địa phương, như vậy việc thực hiện dự án sân golf Đak Đoa vừa được lợi cả kinh tế và nhân đôi diện tích rừng của địa phương sau khi trồng bù rừng chuyển đổi.

Ông Hồ Phước Thành – Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết “Trong quy hoạch 500 ha không chỉ có sân golf mà còn có khu nhà ở, công viên, khu thể thao và một phần diện tích thảm cỏ hồng để người dân đến du lịch, thưởng ngoạn. Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Sân golf Đak Đoa là phù hợp với quy hoạch triển khai dự án. “Chúng tôi là cơ quan được UBND tỉnh giao thực hiện kêu gọi thu hút đầu tư. Mong muốn của chúng tôi là đưa dự án vào hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tỉnh nhà phát triển; bên cạnh đó môi trường vẫn được giữ vững, cảnh quan ngày càng đẹp hơn, cơ sở hạ tầng ngày càng tốt hơn.”

Trước thông tin về triển khai xây dựng Sân Golf Đăk Đoa, không chỉ chính quyền địa phương mà nhiều người dân sinh sống ở khu vực triển khai dự án cũng rất đồng tình ủng hộ và mong muốn dự án sớm được triển khai xây dựng.

Ông Bluk – Trưởng thôn Bối, xã Glar, huyện Đăk Đoa chia sẻ “Khi có chương trình xây dựng sân golf ở đây, người dân rất phấn khởi và ủng hộ, mong dự án sớm được triển khai để kinh tế địa phương phát triển tốt hơn.”

Có thể nói, với xuất phát điểm thấp như Gia Lai, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, do vậy, Sân golf Đak Đoa là một trong những dự án phù hợp với xu hướng phát triển các khu du lịch, đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế-xã hội. Sau khi được xây dựng, dự án trên sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến vui chơi, giải trí tại tỉnh, góp phần quảng bá du lịch của tỉnh, thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động trong vùng. Với những ý nghĩa, hiệu quả về kinh tế xã hội của dự án, chia sẻ với khát vọng đổi mới đi lên của tỉnh Gia Lai, nên cho đến nay về cơ bản các bộ, ngành Trung ương đã ủng hộ việc triển khai dự án này. Tuy nhiên do thay đổi một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nên tỉnh đã điều chỉnh một số hồ sơ, thủ tục của dự án để trình các bộ ngành hữu quan  tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án. Thiết nghĩ đây cũng là bước đi rất thận trọng và hợp lý của tỉnh Gia Lai đối với một dự án có tác động lớn đến kinh tế xã hội của địa phương./.

Hồng Uyên – Huy Toàn


Lượt xem: 389

Trả lời