WHO: Phân loại và kiểm soát riêng biệt các sản phẩm thuốc lá mới

Cập nhật 17/7/2024, 15:07:28

Trước sự phát triển của sản phẩm thuốc lá mới trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị cần sớm kiểm soát chặt chẽ, tránh buông lỏng các sản phẩm này ngoài vòng pháp luật.

Hiện WHO cũng khuyến nghị cần phân loại rõ thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để từ đó đưa ra hướng kiểm soát riêng biệt. WHO đã xác định trong tinh dầu của thuốc lá điện tử không chứa nguyên liệu thuốc lá tự nhiên như thuốc lá làm nóng. Dung dịch tinh dầu này chứa nhiều hợp chất khác, có thể có hoặc không có nicotine. Thậm chí, với nicotine có trong dung dịch thuốc lá điện tử, có loại được chiết tách từ thuốc lá, có loại là nicotine tổng hợp.

Đồng thời, độ phức tạp của các loại tinh dầu trong thuốc lá điện tử là nguyên nhân mà WHO đề xuất việc quản lý riêng biệt sản phẩm này với thuốc lá làm nóng. Đáng chú ý, theo WHO, thuốc lá làm nóng là một sản phẩm thuốc lá nên cần được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC), trong đó, có Việt Nam là thành viên.

WHO: Phân loại và kiểm soát riêng biệt

Mức độ phức tạp của thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử có sự chênh lệch lớn, dù đều là sản phẩm thuốc lá mới. Thuốc lá làm nóng được thiết kế đơn giản từ cách sử dụng đến nguyên liệu sản phẩm. Cụ thể, nguyên liệu của thuốc lá làm nóng bao gồm thân, cây và lá thuốc lá, tương tự như thuốc lá điếu.

Tuy nhiên, thay vì đốt trực tiếp điếu thuốc để hút, thuốc lá làm nóng sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng nguyên liệu thuốc lá bên trong điếu thuốc đặc chế. Với cấu trúc đó, người dùng thuốc lá làm nóng sẽ khó tự ý tùy chỉnh hay thay đổi cách sử dụng và nguyên liệu theo ý muốn. Một doanh nghiệp cung cấp thuốc lá làm nóng đã vượt qua cuộc kiểm định tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết, các sản phẩm thuốc lá làm nóng của công ty được thiết kế tinh giản nhằm ngăn ngừa nguy cơ người dùng lạm dụng sản phẩm sai mục đích.

Mặt khác, dù có cùng nguyên liệu thuốc lá tự nhiên như thuốc lá điếu truyền thống, song theo WHO, thuốc lá làm nóng có hàm lượng các chất gây hại thấp hơn và không có khói và tàn như thuốc lá điếu. Tổ chức này cũng khẳng định mọi loại thuốc lá đều có hại.

Ngược lại, đối với thuốc lá điện tử thì bắt buộc phải sử dụng tinh dầu. Thống kê từ WHO cho thấy, tinh dầu thuốc lá điện tử hiện nay đã lên tới con số 20.000 loại hương vị khác nhau. Đồng thời, thiết bị điện tử để làm hóa hơi dung dịch này cũng có nhiều cơ chế vận hành. Cụ thể, có loại thuốc lá điện tử dùng nhiều lần (tái sử dụng), trong đó, có loại là hệ thống đóng (closed system) chỉ cho phép sử dụng tinh dầu đi kèm với thiết bị từ nhà sản xuất; có loại là hệ thống mở (open system) được sử dụng như là một công cụ cho phép người dùng tùy ý thêm thắt, thay đổi các loại tinh dầu từ nguồn khác, chứa các chất khác. Mặt khác, có loại thuốc lá điện tử dùng một lần (disposable e-cigarette), dùng được 3.000 hơi, 7.000 hơi… rồi bỏ.

Bên cạnh nguyên liệu, tên gọi của các sản phẩm thuốc lá điện tử trên thị trường cũng rất phong phú. Người dùng thường gọi thuốc lá điện tử là vape, pod, e-cigarettes… Những sản phẩm này cũng có khả năng điều chỉnh nhiệt độ khác nhau, do đó, WHO cũng cảnh báo việc này có thể làm tăng nguy cơ tiếp xúc với các chất độc hại và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Đi đôi với sự phát triển của khoa học, sự cải tiến về thiết kế và các đặc tính của thuốc lá điện tử sẽ ngày càng phong phú và phức tạp hơn. Tính phức tạp của các sản phẩm thuốc lá điện tử gây khó khăn cho các hệ thống pháp lý, vốn mất nhiều năm để bàn bạc, soạn thảo, vận hành.

Siết chặt quản lý

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 (PCTHTL) được xem là cơ sở pháp lý để kiểm soát các sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá nhưng không có luật quản lý các loại tinh dầu có hoặc không có chứa nicotine. Đây cũng là bằng chứng cho thấy nhận định của WHO là hợp lý khi khẳng định tốc độ thay đổi như vũ bão của thuốc lá điện tử sẽ tạo ra thách thức lớn đến hệ thống quản lý các sản phẩm thuốc lá của các quốc gia.

Lấy mục tiêu chống bình thường hóa việc hút thuốc, WHO xác định cần quản lý các sản phẩm thuốc lá mới thay vì buông lỏng, nếu việc cấm là không khả thi. Theo đó, tổ chức này kêu gọi các quốc gia thành viên tận dụng các luật hiện hành đang áp dụng cho thuốc lá điếu để làm cơ sở quản lý thuốc lá làm nóng, vì đây là sản phẩm có nguyên liệu thuốc lá, cơ chế hoạt động đơn giản, đặc biệt chỉ có một cách dùng, một nguồn nguyên liệu.

Trong khi đó thuốc lá điện tử chỉ chứa tinh dầu, có hoặc không có nicotine ở dạng dung dịch, thì có thể nằm ngoài phạm vi của Luật hiện hành.

Cũng dựa trên định nghĩa của Luật PCTHTL, đơn vị chủ quản ngành thuốc lá là Bộ Công thương đã đề xuất Nghị định 67 sửa đổi, nhằm quy định rõ việc quản lý các loại sản phẩm thuốc lá mới. Theo đó, việc sửa đổi Nghị định 67 sẽ tạo nền tảng pháp lý cho việc xác định sản phẩm phù hợp đưa vào quản lý, chẳng hạn như thuốc lá làm nóng. Đề xuất này đã nhận được sự đồng thuận từ các bộ ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư…

Tuy nhiên, quản lý thuốc lá điện tử có thể là một thách thức đối với các cơ quan chức năng, vì hiện tại luật chưa quy định rõ việc quản lý dung dịch. Đồng thời, theo Bộ Y tế, cần thời gian nghiên cứu để đo lường các hợp chất có trong dung dịch tinh dầu thuốc lá điện tử một cách chính xác.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng nhận định, nếu WHO đã phân loại sự khác biệt giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, đồng thời khuyến nghị các phương án quản lý cụ thể như trên, thì các cơ quan quản lý nên đẩy nhanh tiến độ áp dụng quy định cho những sản phẩm nào có chứa nguyên liệu thuốc lá.
Sau gần 10 năm các sản phẩm thuốc lá mới có mặt trên thị trường, đến nay, các cơ quan ban ngành đang xem xét tính chất phù hợp của từng chủng loại sản phẩm so với luật hiện hành để có thể đưa vào áp dụng ngay. Việc có hướng dẫn cụ thể để quản lý thuốc lá mới sẽ áp dụng cho thuốc lá làm nóng, hay cho cả thuốc lá điện tử sẽ là nền tảng để tạo tiền đề kiểm soát mọi loại sản phẩm thuốc lá trong tương lai.


Lượt xem: 29

Trả lời