Thị trường nhân lực ngành bán dẫn thiếu hụt trầm trọng: Cơ hội hay thách thức?

Cập nhật 22/4/2024, 07:04:03

Thị trường nhân lực ngành vi mạch bán dẫn thiếu hụt trở thành cơ hội có thể tận dụng. Tuy nhiên, thách thức là nhu cầu thị trường thay đổi theo chu kỳ ngắn và nhanh; Phần mềm máy móc đắt tiền, kinh phí đào tạo kỹ sư phần cứng cao.

Tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu

Chia sẻ tại hội thảo về công nghiệp bán dẫn mới đây do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn lớn ngành vi mạch bán dẫn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan với khoảng trên 40 công ty, nhiều công ty trong nước cũng gia nhập thị trường. Theo đó có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng cần các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn. Trong đó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối hình thành hệ sinh thái trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm.

“Thị trường nhân lực thiếu hụt trở thành cơ hội có thể tận dụng. Tuy nhiên, thách thức là nhu cầu thị trường thay đổi theo chu kỳ ngắn và nhanh. Độ cạnh tranh và việc đầu tư khoa học công nghệ còn nhỏ lẻ; phần mềm máy móc đắt tiền, kinh phí đào tạo kỹ sư phần cứng cao. Chính vì thế sinh viên ưu tiên lựa chọn các ngành phần mềm hơn”, PGS.TS Trương Việt Anh phân tích.

Theo PGS Trương Việt Anh, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu công nghệ lõi R&D (nghiên cứu và phát triển). Nguồn nhân lực này tương ứng với yêu cầu của công nghiệp bán dẫn. Việc hình thành các Trung tâm nghiên cứu R&D bán dẫn theo ông cũng là cần thiết, giúp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo nhân lực nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm và hội nhập quốc tế. Các cơ sở nghiên cứu có vai trò dẫn dắt, nâng cao năng lực mạng lưới các nhóm nghiên cứu trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế/thu hút chuyên gia.

PGS Trương Việt Anh cũng kiến nghị Bộ KH&CN có chương trình, nhóm nhiệm vụ độc lập cho các trung tâm nghiên cứu mạnh phát triển sản phẩm, công nghệ về công nghiệp bán dẫn, nội địa hóa sản xuất.

Doanh nghiệp làm chip bán dẫn tuyển người rất vất vả

Ông Nguyễn Cương Hoàng, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel, cho biết, bên cạnh vấn đề công nghệ thì nhân lực là một mối quan tâm hàng đầu thường trực của lãnh đạo đơn vị.

Viettel thúc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) từ 2010, đến nay xây dựng được đội ngũ hơn 3.000 kỹ sư. Riêng kỹ sư vi mạch, Viettel hiện có khoảng 50 kỹ sư chất lượng cao. Với kỹ sư vi mạch, hàng năm Viettel đều tuyển dụng với mục tiêu mỗi năm tuyển 20 – 30 người, nhưng thực tế mỗi năm chỉ tuyển được hơn 10 người.

“Để có con số hiện tại là 50 kỹ sư, chúng tôi trải qua nhiều năm tuyển dụng. Người vào nhiều, người ra nhiều. Nhưng nhìn chung là tuyển dụng là tương đối khó. Trong 10 hồ sơ chúng tôi chỉ tuyển được 1. Cũng có thể nguyên nhân là vì đặc thù trong hoạt động của chúng tôi, vì làm đầy đủ công đoạn nên nhân lực đòi hỏi tương đối cao và tương đối rộng”, ông Hoàng giải thích.

“Việc tuyển dụng nói chung vất vả. Bởi xung quanh 50 kỹ sư chất lượng cao nói trên sẽ có ít nhất 50 người phục vụ. Thiết kế, sản xuất ra chip chỉ là một phần thôi. Có chip rồi thì phải thử nghiệm để đưa sản phẩm ra sử dụng trong thực tế, nên hiện tại chúng tôi có đội ngũ kỹ sư hơn 100 người làm về chip bán dẫn”, ông Hoàng cho hay.

Theo đại diện của Tập đoàn Viettel, trong 50 kỹ sư chất lượng cao thì có 10 người là từ nước ngoài về (nhiều người từng làm ở các công ty lớn). Các bạn ấy ở làm ở công đoạn đòi hỏi trình độ rất cao.

“Còn với những kỹ sư được tuyển dụng trong nước thì các bạn ấy làm ở các công việc yêu cầu thấp hơn. Một số bạn đã bắt đầu ở mức độ làm chủ module. Để các kỹ sư được đào tạo ở Việt Nam làm được điều này đòi hỏi một quá trình dài. Hy vọng sắp tới chúng ta đào tạo được những người có thể tham gia sâu hơn, đầy đủ các công đoạn thiết kế của chip số, chip cao tần”, ông Nguyễn Cương Hoàng cho biết.

Theo ông Hoàng, với tham vọng đạt được vị trí top 20 công ty thiết kế chip hàng đầu châu Á vào năm 2035, Viettel có nhu cầu nguồn nhân lực hơn 500 kỹ sư vào năm 2030, hơn 1.000 kỹ sư vào năm 2035. Trong đó, có hơn 20% nhân sự có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

Dự đoán nhu cầu nguồn nhân lực bán dẫn, đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần khoảng 15.000 kỹ sư cho khâu thiết kế và 35.000 nhân lực ở công đoạn sản xuất và đóng gói kiểm tra. Để có đội ngũ nhân lực kinh nghiệm, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bậc đại học và sau đại học, phòng thí nghiệm và phát triển hợp tác quốc tế, doanh nghiệp về bán dẫn.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, bên cạnh xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển bán dẫn, các chương trình, đề án phục vụ phát triển nguồn nhân lực vi mạch đã được Bộ triển khai. Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030 đã ban hành, trong đó xác định công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn là một trong những công nghệ lõi được định hướng trong thập kỷ tới. Các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia; đề án tiếp nhận công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch tiên tiến, cùng hoạt động ươm tạo doanh nghiệp lĩnh vực vi mạch điện tử… là cơ sở góp phần chuẩn bị nhân lực cho ngành công nghiệp này.


Lượt xem: 4

Trả lời