Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất hành lý của tổ bay trước và sau khi kết thúc chuyến bay, xử lý nghiêm theo quy định, theo nguyên tắc “kiên quyết, kiên trì, thường xuyên và không có vùng cấm” khi phát hiện vi phạm.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa ban hành Chỉ thị 1480 về việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với nhân viên hàng không. Chỉ thị đưa ra sau vụ 4 tiếp viên hàng không vận chuyển hàng hóa có chứa 11,2 kg ma túy tổng hợp trên chuyến bay từ Pháp về Việt Nam vào ngày 16/3 vừa qua.
Văn bản của Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ, vụ việc đã gây sự chú ý rất lớn của công luận, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu quốc gia và cho thấy tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn an ninh hàng không nếu không được chấn chỉnh kịp thời.
Đồng thời, lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định vụ việc cũng cho thấy Chỉ thị 2677 ngày 20/6/2022 về phòng chống buôn lậu của các thành viên tổ bay đã chưa được các hãng hàng không Việt Nam thực hiện có hiệu quả.
Nhằm tăng cường phòng chống buôn lậu qua đường hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không yêu cầu các doanh nghiệp hàng không quy định trách nhiệm và xử lý kỷ luật người đứng đầu đơn vị và người phụ trách triển khai các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả khi để xảy ra vụ việc.
Các doanh nghiệp cần quán triệt sâu sắc đến các nhân viên hàng không thông qua việc huấn luyện về văn hóa an toàn – an ninh hàng không, về tác hại đối với hình ảnh của đất nước, của doanh nghiệp từ hành vi tiếp tay hoặc tham gia vào vi phạm pháp luật. Chủ động tăng cường công tác kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không; quán triệt toàn bộ các nhân sự tham gia dây chuyền vận chuyển hàng không dân dụng nguyên tắc “làm đúng quy trình”.
Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất hành lý của tổ bay trước và sau khi kết thúc chuyến bay, xử lý nghiêm theo quy định, theo nguyên tắc “kiên quyết, kiên trì, thường xuyên và không có vùng cấm” khi phát hiện vi phạm.
Khi có vụ việc xảy ra, hãng hàng không phải chủ động bình giảng vụ việc, đánh giá, rút kinh nghiệm và phổ biến rộng rãi tới tất cả cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống làm bài học để cảnh tỉnh, nâng cao ý thức chấp hành quy định về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, đồng thời qua đó rà soát, bổ sung các quy định, kế hoạch để bịt kín lỗ hổng nếu có.
Cục Hàng không yêu cầu các sân bay chỉ đạo lực lượng an ninh hàng không tăng cường kiểm soát người và đồ vật mang vào khu vực hạn chế của cảng hàng không; kiên quyết xử lý các trường hợp vào khu vực hạn chế không đúng mục đích, vận chuyển các đồ vật không nằm trong danh sách đăng ký.
Cục trưởng yêu cầu các cảng vụ hàng không kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị tại các địa bàn do cảng vụ phụ trách.
Trước đó, ngày 20/6/2022, ngay sau vụ 9 tiếp viên hàng không bị nhà chức trách sân bay Melbourne (Úc) giữ lại vì mang theo lượng ngoại tệ lớn, Cục Hàng không đã ban hành Chỉ thị 2677 về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại của các thành viên tổ bay của hãng hàng không.
Ngày 16/3 vừa qua, 4 tiếp viên hàng không lại bị phát hiện mang theo hành lý chứa 11,2 kg ma túy tổng hợp từ Pháp về TP.HCM. Sau một thời gian tạm giữ, cơ quan điều tra tạm thời xác định chưa có căn cứ để khởi tố bị can nên tạm thời thả tự do cho các tiếp viên này.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định, các tiếp viên vẫn phải chịu hình thức kỷ luật của ngành. Cụ thể, hành vi này sẽ bị xử lý theo Thông tư 46/2013 của Bộ GTVT về kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không. Trong đó có quy định sẽ “không sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với hành vi lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa”./.
Lượt xem: