Bộ GTVT cho biết hiện đơn vị đang chỉ đạo Cục Đăng kiểm lấy ý kiến chuyên gia về chu kỳ đăng kiểm xe, theo thời gian hay km. Nhiều người cho rằng, nên kết hợp cả 2 phương án, tùy điều kiện nào đến trước…
Sau những “lùm xùm”, bắt bớ và ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trên cả nước hiện nay, sau nhiều buổi làm việc với Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Bộ, ngành, mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến giao Bộ GTVT nghiên cứu chu kỳ kiểm định hợp lý đối với xe không kinh doanh vận tải (KDVT), xe KDVT và xe cá nhân. Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số km sử dụng để thay thế tiêu chí về thời gian sử dụng xe như hiện nay.
Trước sức “nóng” của vấn đề đăng kiểm xe ô tô hiện nay, ý kiến này lập tức thu hút sự quan tâm của rất đông những chủ xe ô tô, các chuyên gia bàn tính “được và mất”, kiểm định xe cơ giới theo cách nào thì sẽ thuận tiện hơn.
Nên kiểm định xe theo km?
Anh Nguyễn Hòa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhìn nhận, cần phân loại xe theo mục đích sử dụng. Tức là các loại màu biển số xe hiện nay. Bởi có xe cá nhân di chuyển nhiều nhưng có xe di chuyển ít và về nguyên tắc xe chạy càng nhiều độ hao mòn càng lớn, vì vậy tính theo km là hợp lý và công bằng nhất.
Vì mỗi loại xe được phân theo mục đích, sẽ có cách đăng kiểm cho phù hợp. Xe sử dụng cho mục đích cá nhân, gia đình sử dụng, thì nên theo km. Xe tải và xe chở khách nên theo năm, tháng.
“Phân loại rõ ràng xe các cơ quan, công ty, nên đưa đến các cơ sở của Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng kiểm định. Làm kiểu này bớt chồng chéo, đánh giá đúng mức độ sử dụng các loại xe, người đăng kiểm cũng vui vẻ vì biết được mức độ an toàn của xe”, anh Hòa nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hải Đăng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, nên kết hợp cả số km và thời gian, cái nào đến trước thì phải đăng kiểm, vì xe dù đi ít nhưng lâu quá một số bộ phận cũng có thể hỏng. Việc dựa vào thời gian để đưa ra chu kỳ kiểm định như hiện nay chỉ mang tính tương đối.
“Theo tôi đăng kiểm nên kết hợp tất cả các gara sửa xe, mỗi khi xe đến sẽ cập nhật lên hệ thống tình trạng xe đó. Rồi hệ thống sẽ thông báo nhắc nhở hoặc yêu cầu ngày giờ đến đăng kiểm. Xe cá nhân di chuyển nhiều nhưng có xe di chuyển ít và về nguyên tắc xe chạy càng nhiều độ hao mòn càng lớn, vì vậy tính theo kilomet là hợp lý và công bằng nhất”, anh Đăng kiến nghị.
Tương tự, anh Trương Đình Tuyến (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, cá nhân rất ủng hộ việc tính chu kỳ đăng kiểm theo kilomet. Tuy nhiên, anh băn khoăn về tính khả thi của nó, vì có nhiều chủ xe sẽ lại gian dối “tua” công tơ mét trên xe theo ý đồ riêng.
“Xe tư nhân, “tua” trả ngược số công tơ mét rất nhanh. Còn xe công vụ, lái xe gắn chip tăng số công tơ mét để “ăn” xăng. Vậy nên sẽ có trường hợp gian lận. Như vậy cũng sẽ không được tuyệt đối”, anh Tuyến phân tích.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Công Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, đã làm luật thì đừng sợ gian lận, kẹp chì, dán tem đồng hồ ODO…
“Cần tăng hình phạt thật nặng để kiểm soát gian lận. Tính theo số km là phương án hay, công bằng hợp lý. Việc gian dối công tơ mét đều có phương án kĩ thuật giải quyết cả. Xe cất kĩ, ít chạy (một năm chạy vài ngàn km) cũng bị ràng buộc thời gian đăng kiểm rồi phí cầu đường như xe liên tục chạy quanh năm trên đường là điều vô lí…”, anh Bình bày tỏ.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Vũ Hoàng Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) nhìn nhận, xe ít đi, đặc biệt xe để lâu không đi cũng dễ hỏng hóc, mang ra đi còn kém an toàn hơn xe đi thường xuyên nhưng bảo dưỡng tốt. Nên kết hợp cả hai, số km hoặc tới hạn nhất định thì phải buộc đăng kiểm.
“Theo tôi, cần kết hợp 2 yếu tố đăng kiểm theo km hoặc số năm-tùy theo điều kiện nào đến trước. Cùng đó, cập nhật thông tin đăng kiểm vào chip ePass –VETC thu phí đường bộ tự động. Khi đi đăng kiểm, xe cứ vào chuyền kiểm tra, đạt là cập nhật vào 1 app khỏi dán tem gì cả, giảm rất nhiều chi phí. Xe qua trạm thu phí chỉ cần quét trừ tiền là biết luôn còn hạn đăng kiểm hay không. CSGT chỉ cần tra thông tin là chặn phạt sau khi qua trạm, không ai cãi được…”. anh Hoàng Anh kiến nghị.
Chuyên gia nói gì, liệu có khả thi?
Theo các chuyên gia giao thông, Thông tư 2/2023 quy định chu kỳ kiểm định của xe được tính theo tháng. Trong đó, xe kinh doanh dịch vụ có chu kỳ kiểm định ngắn hơn xe gia đình. Việc Bộ GTVT sửa đổi như trên là hoàn toàn hợp lý, vì thực tế xe gia đình dưới chín chỗ mỗi ngày chạy trung bình chỉ khoảng 50km, tức mỗi tháng đi 4.500km, trong khi đó xe kinh doanh dịch vụ di chuyển trung bình mỗi tháng 30.000km. Như vậy, rõ ràng là thời gian hoạt động của xe kinh doanh dịch vụ gấp nhiều lần so với xe gia đình.
Thêm vào đó, xe gia đình được chủ xe quan tâm chăm sóc, bảo dưỡng…tỉ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất là rất cao, khoảng 95%. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng chu kỳ kiểm định xe nghiên cứu theo km thiếu tính khả thi, bởi khó kiểm soát được quãng đường thực mà xe đã chạy. Cạnh đó, chủ xe hoàn toàn có thể can thiệp để “tua” ngược kilomet nhằm giảm số lần đi kiểm định.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, việc tính sự hao mòn phương tiện theo số km có thể chính xác hơn so với tính theo thời gian thực, tuy nhiên áp dụng để xác định chu kỳ kiểm định ô tô thì phải tính toán kỹ.
Ông Tạo phân tích, sự hao mòn, hư hỏng của một chiếc ô tô được xác định theo 2 chỉ tiêu: Số km xe chạy (tức là cường độ mài mòn của các chi tiết) và sự hao mòn có tính chất vô hình (tự hao mòn theo thời gian, ở 1 số chi tiết như dầu nhớt, lốp).
Do đó, khi xác định quá trình hao mòn của xe, mọi người thường quan niệm những xe chạy nhiều sẽ chóng hỏng hơn xe chạy ít do xe ít đi, hao mòn ít hơn sẽ giúp ô tô duy trì trạng thái hoạt động tốt hơn.
Nếu tính được số km xe chạy một cách chuẩn xác để làm cơ sở xác định thời hạn cần thiết đánh giá lại trạng thái kỹ thuật của xe, về mặt chuyên môn sẽ chính xác hơn. Tuy nhiên, thực tiễn, trên thế giới, ngay cả các nước phát triển như Anh, Đức, Mỹ cũng tính chu kỳ kiểm định xe theo thời gian giống Việt Nam mà không áp dụng cách tính số km xe chạy dù những nước này là bậc thầy về trình độ kỹ thuật phương tiện. Không phải vì họ chưa nghĩ đến mà bởi việc áp dụng trong thực tiễn không khả thi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh-nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc tính chu kỳ kiểm định theo thời gian giúp lực lượng chức năng dễ kiểm soát hơn nhờ vào tem kiểm định. Còn tính theo km, đăng kiểm viên phải kiểm tra đồng hồ xem đã đến thời gian kiểm định chưa, CSGT cũng khó kiểm soát nhưng rõ ràng theo kilomet sẽ chuẩn xác hơn. Vì vậy lãnh đạo Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu là hợp lý.
Về cách để chủ xe không thể can thiệp vào km đã vận hành, ông Thanh cho rằng có thể niêm phong đồng hồ, nếu chủ xe điều chỉnh sẽ bị xử phạt.
“Tóm lại, Bộ GTVT phải nghiên cứu cách làm sao kiểm soát được các vấn đề nêu trên để việc áp dụng có tính khả thi cao”, ông Thanh nói.
Liên quan đến đề xuất tính chu kỳ kiểm định xe cơ giới theo số km xe chạy, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đơn vị đã và đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề này trước khi có báo cáo cuối cùng. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, các nước trên thế giới hiện chỉ áp dụng cách tính số km vận hành trong bảo hành, bảo dưỡng phương tiện mà không áp dụng trong chu kỳ kiểm định.
“Cục Đăng kiểm Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu các mô hình tính chu kỳ kiểm định phương tiện tại các nước trên thế giới và chọn lọc để áp dụng thực tiễn ở Việt Nam sao cho phù hợp với điều kiện trong nước theo từng thời kỳ”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết./.
Lượt xem: