Học sinh làm gì để nâng cao năng lực ngoại ngữ?

Cập nhật 13/11/2024, 09:11:52

Chuyên gia cho rằng, chỉ khi người học thoát khỏi tư duy Ngoại ngữ là một môn học, thay vào đó quan niệm rằng đây là một kỹ năng sinh tồn cần có trong xã hội hiện đại, khi đó năng lực Ngoại ngữ mới có thể cải thiện.

Theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc như hiện nay. Về số lượng môn thi, thí sinh sẽ thi 4 môn. Trong đó, có 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng dạy và học ngoại ngữ sẽ bị ảnh hưởng khi môn học này không còn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng và toàn diện.

Cô Trần Thị Thu Nga, giáo viên Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng: “Khi Tiếng Anh là môn học tự chọn, chắc chắn sẽ có những học sinh không xét tuyển đại học bằng tổ hợp có môn này sẽ ít tập trung vào những phần ngữ pháp hay những nội dung thi cử, thay vào đó các em có thể chú trọng hơn đến những kỹ năng khác”.

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Nếu thi 2+2, tức 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, thì những thí sinh yêu thích môn Ngoại ngữ hay những em có kế hoạch cho việc học cao hơn ở các môi trường tốt hơn như du học vẫn sẽ chú trọng việc học Ngoại ngữ. Khi đó dù không là môn học bắt buộc nhưng các em vẫn sẽ có xu hướng lựa chọn môn này để thi tốt nghiệp”.

Trước những lo ngại về việc liệu Tiếng Anh có bị lãng quên khi không còn là môn thi bắt buộc hay không, TS Nguyễn Việt Khoa, Quyền Trưởng khoa Khoa Ngôn ngữ Anh – ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, trên thực tế môn Ngoại ngữ là bắt buộc từ lớp 3 tới lớp 12 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và khi học sinh vào đại học và cao đẳng vẫn phải học Ngoại ngữ và các yêu cầu đầu ra của các trường hiện nay đều rất cao. Do đó, không thể nói xã hội đang lãng quên môn Ngoại ngữ mà câu chuyện ở đây là tối ưu hóa nguồn lực của học sinh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc Bộ GD-ĐT công bố phương án thi mới chỉ là bước đầu trong đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá. Bộ đã và đang xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi để công bố cho học sinh, giáo viên, phục vụ công tác dạy và học, hướng tới tổ chức các kỳ thi đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ sớm chỉ đạo và ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025, dự kiến công bố vào quý 4/2024.

“Hiện tại, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu và áp dụng một số phương pháp khảo thí hiện đại để tránh độ lệch điểm quá lớn giữa các môn thi. Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 với 4 môn thi sẽ làm giảm áp lực thi cử, đáp ứng đúng nhu cầu thực sự của học sinh”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết.

Thay đổi tư duy học Ngoại ngữ

Chia sẻ về giải pháp nâng cao năng lực Ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên, TS Nguyễn Việt Khoa cho rằng, đây là câu hỏi khó, bởi để nâng cao được năng lực ngoại ngữ nói chung và năng lực tiếng Anh nói riêng của học sinh, sinh viên, trước tiên cần  thay đổi tư duy về học Ngoại ngữ.

“Chúng ta hãy dừng quan niệm rằng học Ngoại ngữ là một môn học mà hãy nghĩ rằng Ngoại ngữ là một kỹ năng sinh tồn trong xã hội hiện đại. Nếu chúng ta thay đổi được quan điểm thì rào cản đầu tiên sẽ được gỡ bỏ và sẽ khiến sinh viên học ngoại ngữ một cách tự nhiên. Khi đó Ngoại ngữ sẽ trở thành năng lực tích hợp sẵn có ở trong mỗi một người.

Tuy nhiên, tôi tin rằng là với sự phát triển của internet cùng với khoa học công nghệ thì việc tiếp cận tới các tài nguyên học ngoại ngữ thì sẽ dễ dàng hơn. Chỉ cần các em quyết tâm, nỗ lực, nghĩ rằng Ngoại ngữ là một kỹ năng sinh tồn trong xã hội hiện đại, thì nhất định các em sẽ học thành công nhất”, TS Nguyễn Việt Khoa nhấn mạnh.


Lượt xem: 7

Trả lời