Cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ: Doanh nghiệp có tầm đầu tư sẽ xóa bất cập

Cập nhật 11/11/2024, 08:11:58

Việc lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc –Nam sẽ mang lại hiệu quả và giá trị sử dụng cho tuyến cao tốc xương sống của quốc gia…

Hành trình cao tốc Bắc – Nam suốt từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đến Hà Tĩnh dài 206 km cũng mới chỉ có các trạm dừng nghỉ tạm và đang thiếu hệ thống trạm dừng nghỉ đồng bộ, tiện ích cho người dân. Tương tự, cao tốc Bắc – Nam từ TP. HCM đến Khánh Hoà dài khoảng 380 km, tuy nhiên, mới chỉ có một trạm dừng nghỉ đang được khai thác ở đoạn Long Thành – Dầu Giây (tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) và một số trạm dừng nghỉ tạm chưa thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho người dân và lái xe.

Vừa qua, Bộ GTVT đã tiến hành đấu thầu và lựa chọn được một số nhà thầu có năng lực tham gia đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, để đẩy nhanh việc này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần tính đến phương án giao cho nhà đầu tư tuyến cao tốc đồng thời triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ.

Bất cập, nguy hiểm khi cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, phương tiện lưu thông với tốc độ càng lớn thì tinh thần lái xe càng căng thẳng và thời gian điều khiển phương tiện trên cao tốc tỷ lệ thuận với số vụ tai nạn giao thông.

Nếu chạy xe trên đường cao tốc liên tục 2 giờ thì cả người và xe được khuyến nghị cần nghỉ ngơi 15 phút. Vì thế, việc bố trí, thiết kế các cơ sở dịch vụ nói trên luôn là vấn đề cấp thiết, cần đặc biệt được quan tâm, đề cập ngay từ khi lập dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc.

Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5729:2012 yêu cầu thiết kế đường cao tốc ô tô, khoảng từ 15 – 25 km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Khoảng từ 50 – 60 km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn).

Khoảng cách từ 120 – 200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn). Nếu so với bảng quy chuẩn trên thì hơn 2/3 các tuyến cao tốc của Việt Nam đã đưa vào khai thác hiện chưa đáp ứng.

Đấu thầu công khai, chọn nhà đầu tư có năng lực

Ngày 27/6, Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT) đã có các quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng và vận hành các trạm dừng nghỉ thuộc dự án thành phần Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo-Phan Thiết trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Công ty cổ phần xe khách Phương Trang- Futabuslines và Công ty TNHH Thành Hiệp Phát.

Hai dự án này có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng.

Trong số đó, trạm dừng nghỉ Km90+900 thuộc dự án thành phần Cam Lâm-Vĩnh Hảo có mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng và trạm dừng nghỉ Km144+560 thuộc dự án thành phần Vĩnh Hảo-Phan Thiết có mức đầu tư hơn 313 tỷ đồng.

Mỗi trạm dừng nghỉ có diện tích khoảng 10ha (mỗi bên đường khoảng 5ha). Các trạm này sẽ có hạng mục dịch vụ công miễn phí như bãi đỗ xe, khu vệ sinh, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm cho lái xe, nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông… cùng với các công trình thương mại như nhà hàng, trạm xăng…

Thời gian thực hiện dự án khoảng 15 tháng; trong đó thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công là 12 tháng. Thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành đầu tư là 25 năm.

Trước đó, ngày 21/6, Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc dự án thành phần Phan Thiết-Dầu Giây.

Dự án có mức đầu tư hơn 290 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu cũng là Liên danh Futabuslines-Thành Hiệp Phát.

Cục Đường Cao tốc Việt Nam giao các ban quản lý dự án trong vai trò là bên mời thầu đàm phán với nhà đầu tư rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.

Mạnh dạn chọn nhà đầu tư có năng lực, chuyên nghiệp

Cần phải nói thêm về Công ty cổ phần xe khách Phương Trang- Futabuslines, đây là một thương hiệu vận tải, logistics rất chuyên nghiệp và phát triển ở nước ta.

FUTA có mạng lưới vận tải trên khắp cả nước, cùng đó là hệ thống trạm dừng nghỉ, trung chuyển của riêng hãng ở nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, những trạm dừng nghỉ, trung chuyển này dù sao vẫn mang tính cục bộ, nhỏ hẹp.

Nay khi có cơ chế thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam sẽ thu hút được nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết để làm một cách chuyên nghiệp, bài bản sẽ rất tốt cho người đi đường và hạ tầng giao thông, FUTA tham gia đấu thầu và trúng thầu xây dựng trạm dừng nghỉ là một tín hiệu tốt, vừa phục vụ nhu cầu cho vận tải của đơn vị, vừa phục vụ hành khách, lái xe dường dài một cách chuyên nghiệp và chu đáo.

Chủ tịch VARSI gợi ý, đối với các dự án cao tốc BOT, Nhà nước có thể giao luôn cho doanh nghiệp đầu tư chủ động xây dựng các trạm dừng nghỉ. Vì, đối với các dự án cao tốc mà Nhà nước đầu tư, các địa phương có thể phê duyệt dự án tiến hành đấu thầu kêu gọi đầu tư. Nhà nước có vai trò kiểm tra giám sát đảm bảo các trạm dừng nghỉ đáp ứng quy chuẩn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Với sự an toàn, tiện ích khi lưu thông trên đường cao tốc có trạm dừng nghỉ còn góp phần thu hút người tham gia giao thông yên tâm lựa chọn tuyến đường, tăng lưu lượng phương tiện, tăng hiệu quả khai thác công trình.

 VOV.

Lượt xem: 10

Trả lời