Thành phố Đà Nẵng vận động hơn 26.600 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt tỷ lệ 80,8% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, tăng hơn 8.300 người so với năm ngoái.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã chủ động tham gia bảo hiểm tự nguyện. Chị Hồng cho biết, trước đây chị làm công nhân ở một Công ty làm túi xách tại khu Công nghiệp Hòa Khánh. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, đơn hàng không có và Công ty giải thể, chị Hồng mất việc làm. Hiện nay, chị Nguyễn Thị Hồng mở quán bán cà phê và bánh mỳ, còn chồng lái xe cho một doanh nghiệp tư nhân. Hiện, vợ chồng chị Hồng đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức 297.000 đồng/người/tháng, Nhà nước hỗ trợ thêm 33.000 đồng/người/tháng để đủ mức đóng 330.000 đồng/tháng. Chị Hồng đã vận động mẹ và nhiều người trong cùng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết, vợ chồng chị tiết kiệm chi tiêu, tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để khi về già, hết tuổi lao động còn có lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
“Trước đây, tôi đi làm công nhân sau nghỉ việc tôi về buôn bán, tôi tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để sau này hưởng lương hưu tháng mình đỡ phải lo. Tôi thấy Bảo hiểm xã hội tự nguyện có lợi ích nên tôi tuyên truyền cho chồng và ba mẹ, cậu mợ đóng thêm. Nếu sau này thu nhập của tôi cao hơn thì tôi nâng mức đóng lên nhiều hơn”, chị Hồng nói.
Còn anh Nguyễn Đình Năm ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng sau khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì bày tỏ: “Bảo hiểm xã hội là quyền lợi chung của xã hội, của toàn dân nên vợ chồng tôi tham gia đóng để có chế độ về sau, về già cũng đỡ gánh nặng cho gia đình nên 2 vợ chồng đóng được 5 năm rồi. Mình tư vấn cho anh em, bạn bè cũng tham gia. Vợ chồng tôi tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện”.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện ví như “điểm tựa” cho người lao động tự do khi về già. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và thu nhập của từng gia đình, người lao động có thể lựa chọn mức đóng phù hợp và phương thức có thể đóng 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 5 năm và đóng một lần tối đa cho 10 năm còn thiếu để hưởng lương hưu trí. Cùng với đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần chi phí cho người tham gia bảo hiểm xã hội.
Gần 3.850 người ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ông Hà Đức Hải, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Liên Chiểu cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp các phòng chức năng, hội đoàn thể tuyên truyền đến các nhóm đối tượng như: hội viên các Hội Phụ nữ, Nông dân, Tổ trưởng các Tổ dân phố, các tiểu thương, người lao động tự do. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội quận Liên Chiểu còn phối hợp với UBND các phường tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đến người dân, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
“Tình hình phát triển số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện của Bảo hiểm xã hội quận Liên Chiểu, 6 tháng đầu năm cơ bản đã đạt, vượt số chỉ tiêu bảo hiểm xã hội thành phố giao. Để đạt được con số như vậy, mỗi cán bộ, nhân viên của Bảo hiểm xã hội đều là những tuyên truyền viên tích cực, thông tin đầy đủ đến người dân về chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện, qua đó góp phần phát triển số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện”, ông Hà Đức Hải cho hay.
Chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện được ví như “của để dành” cho người lao động tự do khi về già. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã vận động được hơn 26.600 người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ 80,8% kế hoạch của Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, tăng hơn 8.300 người so cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết: “Từ nay đến cuối năm, Bảo hiểm xã hội thành phố chủ yếu tập trung thực hiện các giải pháp như phát triển những mô hình mới, nhân rộng mô hình tổ dân phố điển hình về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, nhân rộng hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cấp xã, phường”.
Lượt xem: 9