Thủ tướng Israel hứng loạt chỉ trích trong và ngoài nước

Cập nhật 04/9/2024, 14:09:32

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang hứng chịu những chỉ trích từ cả trong nước và quốc tế về việc cản trở thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với lực lượng Hamas của Palestine. Ý định đóng quân ở hành lang Philadelphi – giữa biên giới Ai Cập và Gaza của Israel tiếp tục gây tranh cãi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu “làm chưa đủ” để có đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Nội bộ Israel cũng không hài lòng về nỗ lực giải cứu con tin của chính phủ hiện nay. Suốt 3 ngày qua, hàng nghìn người Israel vẫn xuống đường biểu tình thúc giục chính phủ Israel cứu con tin và nhượng bộ trong đàm phán.

Theo vị chính trị gia quân sự kỳ cựu có tầm ảnh hưởng, nghị sĩ Benny Gantz, yêu cầu kiểm soát, đóng quân ở hành lang Philadelphi, biên giới Gaza giáp Ai Cập của Israel hiện nay là quan trọng, nhằm chống lại các hoạt động buôn lậu vũ khí vào Gaza cũng như ngăn Hamas tái vũ trang. Tuy nhiên, cần một kế hoạch chiến lược rõ ràng để ngăn chặn các cuộc tấn công từ dưới các đường hầm của Hamas, gây nguy hiểm cho binh sĩ Israel. Kế hoạch này đòi hỏi sự phối hợp với Ai Cập cùng một giải pháp toàn diện cho cửa khẩu Rafah – nối Ai Cập và Gaza hiện nay.

“Thành thật mà nói, hành lang Philadelphi là một thách thức về mặt hoạt động, nhưng nó không phải là mối đe dọa hiện hữu đối với Nhà nước Israel. Iran mới là mối đe dọa hiện hữu – đó là mối đe dọa an ninh chiến lược. Khả năng phục hồi của Nhà nước Israel – nền kinh tế, việc bảo tồn quân đội, an ninh nội bộ cũng rất quan trọng; trong bối cảnh nền dân chủ và sự phân cực cũng đang xé nát chúng ta”, ông Benny Gantz nói.

Vấn đề hành lang Philadelphi là điểm bế tắc chính trong nỗ lực đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt giao tranh ở Gaza và trả lại các con tin Israel bị Hamas bắt giữ.

Hôm qua, Saudi Arabia, Qatar, Palestine và Jordani đã bày tỏ sự đoàn kết hoàn toàn với Ai Cập và kiên quyết phản đối các tuyên bố gần đây của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên quan đến tình hình an ninh dọc biên giới giữa Ai Cập và Dải Gaza. Trong các tuyên bố chính thức, bốn quốc gia Arab đã cáo buộc Thủ tướng Netanyahu tìm cách đánh lạc hướng dư luận và cản trở những nỗ lực hòa giải chung nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Văn phòng Tổng thống Palestine nhấn mạnh biên giới Palestine-Ai Cập là biên giới có chủ quyền, đồng thời phản đối sự hiện diện của bất kỳ lực lượng Israel nào tại Hành lang Philadelphi hoặc cửa khẩu biên giới Rafah phía Gaza.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng nhấn mạnh. các hành động của Israel là nhằm biện minh cho những vi phạm liên tục của nước này đối với luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia kêu gọi chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ mà người dân tại Gaza đang phải hứng chịu. Saudi Arabia kêu gọi các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm cho phép người Palestine thành lập một nhà nước độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.

Bộ Ngoại giao Qatar, Jordani cùng ngày tuyên bố cách tiếp cận của Israel sẽ phá vỡ các nỗ lực hòa bình và làm gia tăng bạo lực trong khu vực. Qatar kêu gọi tăng cường các nỗ lực khu vực và quốc tế để buộc Israel chấm dứt các hành động quân sự tại Gaza và giải quyết như giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc ở dải đất ven Địa Trung Hải này.


Lượt xem: 2

Trả lời