Những quyết định đảo ngược chính sách gần đây của Tổng thống Biden làm dấy lên một câu hỏi: Đó là tại sao viện trợ không được cung cấp sớm hơn thay vì hỗ trợ vào thời điểm Ukraine dường như đang suy yếu?
Giải mã thời điểm ông Biden ra quyết định
Những quyết định gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi cho phép Ukraine phóng tên lửa vào sâu hơn trong lãnh thổ Nga và cung cấp cho Kiev mìn chống bộ binh gây tranh cãi đã được đưa ra bởi một thực tế mới khắc nghiệt: Nga tăng cường lực lượng, Ukraine chịu nhiều tổn thất trên chiến trường và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống đã đẩy Ukraine vào vị thế có lẽ là yếu nhất trong gần 3 năm.
Nhiều quan chức Mỹ hiện thừa nhận rằng trong vòng vài tháng nữa, Ukraine có thể bị thúc đẩy đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột và buộc phải từ bỏ lãnh thổ. Việc ông Biden đảo ngược các chính sách trước đây của mình về mìn và tên lửa một phần là nhằm trao cho Ukraine vị thế mạnh nhất có thể khi bước vào các cuộc đàm phán tiềm năng đó.
Sự thay đổi hướng đi này cũng cho thấy một kịch bản đã diễn ra nhiều lần vì ông Biden thường phản đối việc nâng cấp vũ khí cho Kiev do lo ngại leo thang với Nga nhưng lại nhượng bộ vài tháng sau đó. Tuy nhiên, sự đảo ngược gần đây đang nhận được cả những lời hoan nghênh và chỉ trích từ các đồng minh châu Âu, những người nói rằng Ukraine cần mọi lợi thế trong những tuần tới, song không giấu diếm sự thất vọng vì phải đến tận bây giờ nhà lãnh đạo Mỹ mới cung cấp các vũ khí đó.
Động thái của Tổng thống Biden làm dấy lên một câu hỏi bấy lâu trong một số quan chức Mỹ và châu Âu: Đó là tại sao viện trợ không được cung cấp sớm khi nó có thể củng cố sức mạnh Ukraine vào thời điểm nước này ở vị thế mạnh hơn thay vì hỗ trợ vào lúc Kiev dường như đang suy yếu?
Kurt Volker, người từng là Đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và là đặc phái viên tại Ukraine trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, cho biết những thay đổi này “đã quá hạn từ lâu” và ông Biden có lẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Moscow khi không gửi những vũ khí mạnh hơn sớm hơn. Ông Volker đánh giá: “Điều đó đã mang đến cho Nga cảm giác miễn trừ. Họ biết họ có không gian an toàn. Họ biết chúng ta không muốn leo thang và họ có thể tiếp tục tiến hành chiến dịch, tấn công và có những động thái mạnh mẽ”.
Tuy nhiên, ông Biden rất nhạy cảm với nguy cơ Tổng thống Vladimir Putin có thể leo thang xung đột một cách nguy hiểm và có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu ông cảm thấy bị đe dọa. Các quan chức Nhà Trắng cho biết quyết định của ông Biden bị chi phối bởi các điều kiện chiến trường đang thay đổi.
Theo 2 quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ, các cuộc thảo luận về việc cho phép sử dụng mìn chống bộ binh và tên lửa tầm xa ATACMS bắt đầu vào cuối tháng 10 nhưng không có quyết định nào được đưa ra cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống.
Ông Trump cam kết sẽ chấm dứt xung đột Nga – Ukraine trong 24 giờ mặc dù không nêu rõ cách thức thực hiện. Với khoản viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ cho Ukraine sắp hết hạn vào năm tới, các quan chức của chính quyền ông Biden phần lớn đã chấp nhận khả năng ông Trump sẽ không cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine sau khi ông nhậm chức.
Nỗ lực gìn giữ di sản
Nhìn chung, các diễn biến hiện tại cho thấy một trong những thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất của ông Biden đang bị đe dọa. Nhà lãnh đạo Mỹ đã tuyên bố vào năm 2022 rằng ông Putin “không thể tiếp tục nắm quyền” nhưng hiện nay, dường như canh bạc của ông Putin – đặt cược vào việc có thể vượt qua sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine – đang dần thành hiện thực.
Tổng thống Biden đã được ca ngợi vì cách xử lý cuộc xung đột khi giữ vai trò lãnh đạo liên minh phương Tây hỗ trợ Kiev bằng viện trợ và vũ khí cũng như giám sát việc mở rộng NATO. Tuy nhiên, ông cũng bị một số đồng minh chỉ trích vì quá chậm trễ trong việc cung cấp cho Ukraine vũ khí tiên tiến mà nước này yêu cầu, trong đó ATACMS là minh chứng mới nhất.
Quyết định gây tranh cãi về việc gửi mìn chống bộ binh – một vũ khí mà nhiều nước đã từ bỏ cách đây vài năm vì lý do nhân đạo, cho thấy Nhà Trắng nhìn nhận tình hình cấp bách như thế nào, các quan chức Mỹ cho hay. Trong suốt cuộc xung đột, mối lo ngại của ông Biden, rằng Tổng thống Putin có thể phản ứng mạnh với một hành động mà ông cho là khiêu khích, thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí sinh học, đôi khi khiến ông bất đồng với các cố vấn hàng đầu của mình.
“Rõ ràng trong mọi vấn đề lớn – ATACMS, F-16 hay tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, ông Biden đều đơn độc”, Ivo Daalder, cựu đại sứ NATO dưới thời Tổng thống Barack Obama và là chủ tịch Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, cho biết.
“Ông ấy do dự trước viễn cảnh leo thang với Nga” và “muốn tránh bằng mọi giá cuộc đối đầu quân sự trực tiếp” với Moscow.
Tổng thống Biden, 82 tuổi, đã dành hơn 50 năm nghiên cứu sâu về chính sách đối ngoại và nhậm chức với những quan điểm đã được xác lập về các vấn đề chính, trong đó có Nga. Phần lớn thế giới quan của ông được đình hình trong suốt Chiến tranh Lạnh, thời điểm mà Liên Xô là một siêu cường toàn cầu tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, một quan điểm xa lạ với nhiều cố vấn trẻ của ông. Ông Biden đã dành nhiều tâm huyết để củng cố năng lực quốc phòng Ukraine, huy động hàng chục tỷ USD hỗ trợ kinh tế và quân sự cho nước này. Ông khuyến khích các nước châu Âu cũng có động thái tương tự ngay cả khi xung đột làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến chi phí khí đốt và sưởi ấm cao hơn.
Nỗi sợ leo thang với Nga của ông Biden cũng là yếu tố quan trọng trong quyết định của ông khi giới hạn vũ khí được cung cấp cho Ukraine.
Các cố vấn của ông Biden nói rằng Tổng thống đã thể hiện sự thận trọng phù hợp, xét đến rủi ro của một cuộc chiến tranh hạt nhân và cho biết, các quyết định của ông được thúc đẩy bởi nhân tố chính sách nhiều hơn là nỗi sợ leo thang. Những cố vấn này cũng hạ thấp quan điểm cho rằng việc cung cấp vũ khí sớm hơn sẽ ảnh hưởng
Chia rẽ trong chính trường Mỹ
Theo 3 nguồn tin giấu tên, vào tháng 9/2022, khi Ukraine đạt được những thành quả vượt xa kỳ vọng trên chiến trường, Washington nhận được thông tin tình báo rằng Điện Kremlin đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân. Những báo cáo tình báo đó là bối cảnh cho quyết định của ông Biden vài tháng sau đó khi bác bỏ đề xuất của Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục, ông Blinken và ông Sullivan đề xuất đưa ra cảnh báo với Nga rằng Mỹ sẽ cung cấp ATACMS cho Ukraine. Ông Biden đã phản đối, lo ngại về cách Nga sẽ phản ứng. Ông chỉ nhượng bộ một phần gần 1 năm sau đó khi đồng ý cung cấp cho Ukraine ATACMS tầm trung vào mùa thu năm 2023 và ATACMS tầm xa thậm chí còn đến muộn hơn vào mùa xuân năm 2024.
Các nhà lãnh đạo Ukraine đã nhiều lần phàn nàn về thói quen nói không của Mỹ khi họ yêu cầu vũ khí tiên tiến và chỉ đồng ý sau vài tháng, khiến cho vũ khí kém hiệu quả hơn so với thời điểm chúng được gửi đi. Trong chính quyền Mỹ, các yêu cầu của Ukraine thường gây ra sự chia rẽ. Ông Blinken và Bộ Ngoại giao thường thoải mái hơn khi chấp thuận chúng so với ông Biden và Bộ Quốc phòng. Các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao đôi khi nói rằng họ tin những tuyên bố đe dọa của ông Putin chỉ là nói suông. Họ dẫn ra rằng các cơ quan tình báo thường đưa ra cảnh báo về hậu quả thảm khốc nếu Ukraine nhận được nhiều viện trợ hơn nhưng sau đó, khi viện trợ thực sự được cung cấp, những kịch bản đó đã không thành hiện thực.
Khi các nhà lãnh đạo Ukraine yêu cầu được phép sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa hơn để tấn công vào lãnh thổ Nga vào mùa hè, các quan chức Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng đồng ý. Nhưng Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đã phản đối, một phần vì lo ngại leo thang và một phần vì Lầu Năm Góc lo ngại về việc cạn kiệt kho tên lửa tiên tiến, các quan chức cho biết vào thời điểm đó.
Mặc dù trước đây là điều cấm kỵ nhưng hiện đã có một sự công nhận âm thầm giữa những người ủng hộ Ukraine ở châu Âu, rằng các cuộc đàm phán hòa bình có thể buộc Ukraine phải từ bỏ một số lãnh thổ cho Nga. Hiện họ đang cân nhắc xem Ukraine có thể nhận được những đảm bảo an ninh nào để ngăn chặn Nga tấn công trong tương lai.
Ông Blinken đã có chuyến thăm một ngày đến trụ sở NATO vào đầu tháng này và các quan chức châu Âu cho biết ông đã mang đến một thông điệp chính: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để củng cố năng lực của Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức và các bạn cũng nên làm như vậy”.
đáng kể đến tiến trình xung đột. Nhiều quan chức châu Âu phản đối mạnh mẽ, nói rằng Mỹ chỉ hành động vừa đủ để Ukraine tiếp tục chiến đấu nhưng không đủ để nước này giành chiến thắng.
“Đã muộn 2 năm rồi”, một quan chức cấp cao châu Âu nói về quyết định hỗ trợ mìn chống bộ binh của Mỹ cho Ukraine vào đầu tháng này. Tuy nhiên, ngay cả những người không đồng tình với quyết định của ông Biden cũng cho biết họ thừa nhận áp lực mà ông phải chịu để đảm bảo Mỹ không bị vướng vào một cuộc xung đột lớn hơn với một đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Lượt xem: 2