Sau khi phát động cuộc tấn công lớn vào tỉnh Kursk của Nga, Ukraine đã chiếm gần 1.300km2 lãnh thổ. Các lực lượng Ukraine cũng tăng cường sử dụng chiến thuật hiểm hóc nhằm phá vỡ các tuyến đường sắt vốn được Nga sử dụng để vận chuyển binh sỹ và vật tư, trang thiết bị.
Chiến thuật hiểm hóc của Ukraine
Nếu Mỹ chấp thuận yêu cầu của Kiev, cho phép sử dụng vũ khí tầm xa tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga, khả năng di chuyển quân đội và vật tư của Moscow có thể bị tổn hại nghiêm trọng.
Nga phụ thuộc nhiều vào các tuyến đường sắt để vận chuyển binh sỹ và vật tư, thay vì sử dụng chủ yếu xe tải như phần lớn các nước phương Tây. Các đơn vị của Nga chủ yếu đều hoạt động gần các đầu mối đường sắt. Chiến dịch xâm nhập biên giới của Ukraine đang làm quá tải các nhà ga đường sắt ở khu vực Kursk và gây ra tình trạng thiếu đầu máy xe lửa. Một số nhà phân tích quân sự ước tính, để ngăn chặn đối phương, Nga cần phải tập hợp khoảng 30.000 binh sỹ.
BelZhD, công đoàn đại diện cho công nhân đường sắt Belarus cho biết, tính đến ngày 12/8, cơ quan đường sắt Nga đã yêu cầu đối tác Belarus không điều động tàu đến các nhà ga trên tuyến Orel-Kursk. Điều này về cơ bản cắt đứt các tuyến đường sắt giữa Belarus và Nga.
“Có một số lượng lớn tàu hỏa không được sử dụng do thiếu đầu máy xe lửa tại các nhà ga của Nga ở vùng. Tình huống này đã ảnh hưởng đến hoạt động của tàu chở hàng từ BZD tới Nga”, BelZhD cho biết.
Việc phải chuyển hướng tàu từ Kursk cũng gây ra nhiều vấn đề. “Bước đột phá của Ukraine đã dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động đường sắt của Nga, làm tê liệt nhiều tuyến đường chính ở nước này”, trang tin tức kinh doanh châu Âu IntelliNews đánh giá. Vẫn chưa rõ mạng lưới đường sắt của Nga bị suy giảm hoạt động ở mức nào.
Business Insider dẫn thông tin từ George Barros, một chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho biết: “Chúng tôi đã thấy nhiều công nhân đường sắt Belarus báo cáo về cách Nga điều hành giao thông đường sắt ở phía tây nam nước này để ưu tiên cho hậu cần quân sự nhằm đối phó với tình huống tại Kursk. Dù chưa xác minh độc lập các báo cáo đó nhưng không có lý do gì để nghi ngờ điều này”.
Các tuyến đường sắt của Nga đã ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng ngay cả trước khi Ukraine tiến hành chiến dịch tấn công Kursk. Nhiều blogger Nga cảnh báo rằng, lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn xuất khẩu vòng bị sang Nga đã đã làm tê liệt hoạt động bảo trì và tạo ra tình trạng thiếu đầu máy xe lửa. Một số quan chức đường sắt của Nga được cho là đã bị đe dọa đưa vào danh sách đen. Cơ quan quản lý đường sắt Nga thừa nhận rằng việc thiếu bảo trì đầu máy xe lửa và phụ tùng thay thế đã khiến 42.600 chuyến tàu bị hủy vào năm 2023.
Cho đến thời điểm hiện tại, mục tiêu của Ukraine buộc Nga phải chuyển quân từ chiến trường miền đông và miền nam Ukraine tới bảo vệ Kursk đã thất bại. Bất chấp việc mất một số vùng lãnh thổ ở biên giới, Nga vẫn tiếp tục tiến đánh và tấn công các địa điểm quan trọng như thành phố Pokrovsk, ở vùng Donetsk.
Thách thức đối với tuyến tiếp tế của Nga
Sau khi Ukraine tấn công Kursk, Nga đã nhanh chóng triển khai các lính nghĩa vụ, cùng với lực lượng an ninh nội bộ từ lực lượng vệ binh quốc gia Rosgvardiya, Bộ Nội vụ và cơ quan tình báo liên bang Nga (FSB), như một phần của hoạt động mà Điện Kremlin gọi là chiến dịch “chống khủng bố” dưới sự chỉ huy của FSB. Những đơn vị này cần được tập hợp trên khắp nước Nga và di chuyển tới Kursk, sau đó cần dược tiếp tế. Nếu sử dụng xe tải để phục vụ cho hoạt động hậu cần Nga sẽ phải huy động một số lượng lớn phương tiện. Vì thế quân đội Nga cần phải tận dụng các đầu mối đường sắt và sử dụng các cầu đường sắt.
“Những nút thắt cổ chai như vậy rất dễ tìm thấy”, nhà phân tích Barrow lưu ý, đồng thời cho biết hiện có 4 cây cầu đường sắt chính ở các khu vực Kursk, Orel và Bryansk.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng, hệ thống đường sắt của Nga có đủ khả năng để xử lý tình trạng gián đoạn. “Cuộc tấn công của Ukraine có thể buộc Nga phải phân bổ lại các tuyến hậu cần quân sự đến mặt trận Kharkov thông qua các khu vực lân cận. Điều này sẽ kéo dài thời gian cung cấp vật liệu và trang thiết bị từ các quân khu Leningrad và Moscow, nhưng không có nghĩa là họ bị hạn chế đáng kể năng lực hậu cần”, ông Callum Fraser, chuyên gia về an ninh Nga và Á – Âu tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định. Ukraine được cho là đã thu thập một số dữ liệu về hệ thống đường sắt của Nga, khiến họ có thể dễ dàng phá vỡ tuyến hậu cần hơn, ông Callum Fraser lưu ý.
Với việc kiểm soát 1.300km2 lãnh thổ xung quanh tỉnh Kursk, Ukraine, về cơ bản, có một căn cứ tiền phương bên trong nước Nga để phóng tên lửa và máy bay không người lái vào các mục tiêu nằm sâu hơn trong lãnh thổ Nga. Máy bay Ukraine đã phá hủy một số cây cầu bắc qua sông Seym ở phía đông thành phố Kursk. Nếu được Mỹ dỡ bỏ những hạn chế liên quan đến sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa, Ukraine có thể sử dụng tên lửa này để gây gián đoạn nghiêm trọng đến giao thông đường sắt và hậu cần của Nga.
“Mạng lưới đường sắt của Nga ở các tỉnh Bryansk, Kursk, Oryol, Belgorod và Voronezh có một số nút thắt cổ chai tự nhiên khi các tuyến đường sắt đó đi xuyên qua cầu vượt sông. Ukraine có thể làm suy yếu khả năng sử dụng đường sắt của Nga bằng cách sử dụng tên lửa ATACMS để phá hủy các cây cầu đường sắt này”.
Lượt xem: 1