Với gần 44% học sinh là người dân tộc thiểu số, công tác duy trì sỉ số học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để đạt được những kết quả này không thể không nói đến sự đóng góp công sức lặng thầm và lòng nhiệt huyết, tận tâm với nghề của những thầy, cô giáo đã và đang bám lớp, bám trường nơi những vùng đất khó của tỉnh. Thầy Đinh Yơng-Giáo viên trường Tiểu học Lê Văn Tám-một trong những ngôi trường nằm ở xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo IaPa là một trong những giáo viên như thế.
Thầy giáo Đinh Yơng, trong giờ lên lớp.
Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng hơn 15 năm nay, thầy Đinh Yơng đã gắn bó với nghề dạy học. Thầy đến với nghề cao quý này từ sự tình cờ ban đầu là giúp đỡ những người chưa biết chữ trong làng biết đọc, biết viết…. Thế rồi như một duyên nợ với nghề, thầy gắn bó với nghề dạy học với tình yêu sâu nặng. Là người con sinh ra và lớn lên tại địa bàn vùng khó, hiểu và cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh nghèo khó, cũng như phong tục tập quán của đồng bào mình nên thầy Đinh Yơng là một trong những giáo viên được nhà trường tin tưởng bố trí để dạy ở các điểm trường làng với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số.
“Mỗi giáo viên mỗi khác, có một cách dạy riêng nên mình chịu khó học hỏi người ta để thực hiện tốt việc dạy và học cho các em, tạo hứng thú, niềm vui và sự yêu thích đến lớp cho các em mỗi ngày, để các em mỗi ngày càng khôn lớn trưởng thành. Đó là những lời nói mộc mạc, chân thành của Thầy giáo Đinh Yơng-Điểm trường làng Kliêc B, Trường TH Lê Văn Tám, xã Pờ Tó, huyện IaPa khi thầy tâm sự với chúng tôi.
Sau mỗi giờ đến lớp đến trường với những học trò nghèo thân yêu, thầy trở về với ngôi nhà đơn sơ, giản dị nằm ở làng Chư Gu cách trường không xa và miệt mài, lặng lẽ bên trang giáo án… Không chỉ tận tâm, nhiệt huyết với nghề dạy học, thầy Đinh Yơng còn là tấm gương về tinh thần tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng với yêu cầu của ngành về xây dựng một đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên người dân tộc thiểu số đạt trình độ chuẩn.
Nhận xét về người đồng nghiệp của mình, cô giáo Mã Thị Duyên-Hiệu trưởng Trường TH Lê Văn Tám, xã Pờ Tó, huyện IaPa cho biết: “Trong nhiều năm qua, mặc dù điều kiện giảng dạy của trường tiểu học Lê Văn Tám còn nhiều khó khăn nhưng thầy đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong công tác, hoàn thành tốt việc dạy và học, nhất là trong việc duy trì duy số học sinh, cũng như vận động học sinh ra lớp, chất lượng lớp thầy dạy cao hơn so với các lớp khác và năm sau luôn cao hơn năm trước”.
Có thể nói, những kết quả và thành tích trong công tác giảng dạy của thầy giáo Đinh Yơng tuy khiêm nhường là thế nhưng có một ý nghĩa quan trọng trong công tác giáo dục ở những địa bàn vùng khó. Đó là góp phần huy động học sinh ra lớp và duy trì sỉ số học sinh trong nhiều năm học-một việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng vất vả đối với những thầy cô giáo công tác ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Để làm được điều này, ngoài sự kiên trì bám lớp bám trường thì cần có lòng nhiệt huyết và tận tâm với nghề…./.
Thiên Thanh-Bích Thủy
Lượt xem: 56