Kịp thời nắm bắt xu hướng, nhanh nhạy với phát triển nông nghiệp bền vững, phong trào liên kết sản xuất, tiến tới các hình thức kinh tế tập thể trong hội viên nông dân huyện Đak Đoa đã và đang trở thành điểm sáng của tỉnh những năm gần đây. Không chỉ mang lại những lợi ích thực tế, liên kết phát triển sản xuất cũng góp phần nâng cao chất lượng phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu và giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Vài năm nay tổ liên kết trồng cà phê 4C do anh A Lưnh, chi hội trưởng Hội Nông dân làng Biă Tih làm Tổ trưởng hoạt động khá ổn định và hiệu quả. Tổ có 15 hội viên nông dân, đang canh tác khoảng 25 ha cà phê kinh doanh, theo phương thức 4C. Ngoài việc phổ biến, trao đổi những quy định cần thiết khi nông dân tham gia trồng cà phê 4C, thực hiện tốt những cam kết trong liên kết cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp, những thành viên trong tổ liên kết xem đây là nơi để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cách thức phòng chống bệnh trên cây trồng. Đặc biệt là những thay đổi trong canh tác hữu cơ với những phương thức sản xuất khác với lối truyền thống.
Chị Yuoih, thôn D’rông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa bày tỏ: “Hai ba làng thành lập được tổ đây thì mình thấy được sự bền vững, cà phê 4C nó sạch á, bà con cũng vận động nhau học hỏi theo. Khi tham gia vào mình học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm.”
Với mục đích liên kết, hỗ trợ hội viên trong phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, Hội nông dân xã A Dơk đã vận động hội viên tham gia các tổ hội nghề nghiệp, nhóm chung sở thích. Ngoài các tổ liên kết với doanh nghiệp trồng cà phê 4C, toàn xã còn có 5 tổ hội nghề nghiệp, 20 nhóm chung sở thích chăn nuôi, trồng trọt, dệt thổ cẩm…Tham gia vào các tổ nhóm liên kết, nông dân người dân tộc thiểu số đã tự tin và mạnh dạn trong áp dụng khoa học vào sản xuất, vay vốn để mở rộng quy mô, diện tích vườn cây. Quy trình trồng cà phê hữu cơ với những lợi ích không chỉ về kinh tế mà còn thiết thực với sức khỏe người sản xuất, và cộng đồng.
Ông A Lưnh, Trưởng nhóm liên kết trồng cà phê 4C làng Biă tih, xã A Dơk, Đak Đoa nói: “Hồi trước mình phun thuốc cỏ, khi tham gia 4C thì mình phải tự làm cỏ bằng máy, không phun thuốc cỏ nữa. Khi phun thuốc cho cà phê mình cũng phun đúng quy trình và liều lượng. Theo quy trình 4C năng xuất nó cũng ổn định và cao hơn.”
Ông Y Byin, Chủ tịch Hội Nông dân xã A Dơk, Đak Đoa cho biết: “Khi mà thành lập các tổ hội thì vận động được hộ nghèo mạnh dạn tham gia hơn. Bà con học hỏi, thì làm kinh tế tốt hơn, giảm được hộ nghèo. Từ năm 2022 đến nay, các cấp hội Nông dân huyện Đak Đoa đã phối hợp thành lập được 09 Hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ toàn huyện 28 Hợp tác xã, với 338 thành viên là hội viên nông dân. Có 28 Tổ hợp tác, với 415 thành viên là hội viên nông dân, 04 chi hội nghề nghiệp, 81 tổ hội nông dân nghề nghiệp và 16 mô hình nông hội, 134 nhóm chung sở với tổng số khoảng 8.550 hội viên nông dân tham gia. Trong số này có 5.750 thành viên là hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.”
Ông A Lưng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đak Đoa trao đổi: “Các cấp hội tại huyện đã tuyên truyền vận động thành lập các tổ hội nghề nghiệp, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị để nông dân các cấp có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp về vật tư, nông nghiệp. Từ đó các phong trào được thúc đẩy lên, nhất là phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa bàn.”
Liên kết sản xuất, tạo vùng nông sản ổn định đã thu hút nhiều doanh nghiệp lựa chọn Đak Đoa để xây dựng và phát triển nguồn nguyên liệu xuất khẩu, thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nông sản của người dân được đảm bảo về giá thành và sản lượng, nâng cao giá trị sản phẩm trên một diện tích.
Minh Lý – R’Piên – Viễn Khánh
Lượt xem: 14