Nguồn vốn tín dụng chính chính sách – “Đòn bẩy” thoát nghèo

Cập nhật 04/12/2024, 09:12:37

Được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách dễ dàng, thuận lợi và nhanh chóng đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện biên giới Đức Cơ có nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập. Với chiếc “đòn bẩy” mang tên “tín dụng chính sách”, nhiều hộ nghèo từ chỗ không có thu nhập hoặc thu nhập bấp bênh, không đáng kể đã dần dần tích góp được của cải và vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới, ấm no, đủ đầy hơn trước.

Sau nhiều năm chăm sóc, chờ đợi, vườn cao su có diện tích 1 ha của gia đình chị Kpuih H’Khuyên ở làng Pơ Nuk, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ đã bắt đầu cho thu hoạch mủ. Niềm vui càng nhân lên với gia đình chị H’Khuyên khi hiện nay giá mủ cao su trên thị trường đang trên đà tăng trở lại. Hy vọng về nguồn thu nhập ổn định hơn sau nhiều năm cố gắng, nỗ lực cũng dần rõ ràng hơn với gia đình chị H’Khuyên.

Nhìn vườn cao su xanh tốt, cho mủ dồi dào, chị H’Khuyên không dấu nổi niềm vui bởi sự đúng đắn của gia đình khi đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cho vườn cây.

Chị Kpuih H’Khuyên – Làng Pơ Nuk, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ bày tỏ: “Trước khó khăn lắm. Nhờ có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội mới được như thế này. Mình trồng được cao su, cà phê, điều, mở rộng được diện tích hơn trước. Bây giờ cà phê có 600 cây, điều 1ha, cao su 1ha, thu nhập một năm được khoảng 100 triệu.”

Không chỉ riêng gia đình chị H’Khuyên mà thời gian qua, nhiều hộ nghèo ở huyện biên giới Đức Cơ đã mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư, phát triển sản xuất nhằm cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình. Điều đáng nói, nếu như trước đây, các hộ nghèo chỉ dám đăng ký vay vốn từ 20 đến 30 triệu đồng, hộ nhiều nhất 50 triệu đồng thì vài năm trở lại đây, không ít hộ đã mạnh dạn vay vốn lên đến 100 triệu đồng. Nhờ đó, việc đầu tư, phát triển sản xuất cũng mang lại hiệu quả cao hơn so với những gói vay nhỏ lẻ trước đây.

Anh Rơ Lan Ngeng – Làng Pnuk, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ chia sẻ: “Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện, cho vay 100 triệu để chăm sóc cây điều. Ngoài ra mình trồng mì, cao su, cà phê và lúa. Khi có vốn đầu tư, chăm sóc cây trồng mình mong muốn sớm thoát được nghèo.”

Chị Nguyễn Thị Loan – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Pnuk, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ cho biết: “Mình cũng bám sát hộ vay tạo điều kiện bảo ban họ làm ăn để kinh tế phát triển hơn, động viên gửi tiết kiệm hàng tháng nhiều 1 chút. Qua đó cứ đến hạn mình trả thì cũng bớt đi. Tổ mình đang có 59 hộ vay vốn thì hiện đang làm kinh tế khá, họ cũng mua được thêm đất, cây trồng.”

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Cơ đang triển khai cho 1 nghìn 442 hộ nghèo, 2 nghìn 363 hộ cận nghèo và 846 hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch…với tổng dư nợ trên 217 tỷ 400 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã đầu tư vào việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi, sửa chữa, xây mới nhà ở…một cách hiệu quả. Khi vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách được phát huy cũng đồng nghĩa với thu nhập, đời sống của hộ nghèo từng bước được nâng lên. Từ đó, nhiều hộ đã thoát được nghèo và có cuộc sống ổn định.

 Ông Nguyễn Văn Diệu – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Cơ trao đổi: “Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ đã bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp trên cũng như Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện và phối hợp tốt với các Hội đoàn thể nhận ủy thác các nguồn vốn cho vay của hộ nghèo, đối tượng chính sách khác. Đến nay các nguồn vốn của hộ nghèo, hộ cận  nghèo thì cũng đã triển khai rất là tốt. Những hộ nghèo, hộ cận nghèo vừa mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện thì đều được giải quyết cho vay vốn, không hộ nào thiếu vốn sản xuất cả. Trong thời gian tới, sẽ phối hợp tốt hơn nữa với các đơn vị, hội, đoàn thể triển khai tốt hơn nữa nguồn vốn đến với hộ nghèo…”

Nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo một cách kịp thời, nhanh chóng và thuận lợi chính là “đòn bẩy” tiếp sức các hộ sớm khắc phục được khó khăn về nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây cũng chính là chìa khóa để huyện Đức Cơ hoàn thành mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo đề ra hàng năm, nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS. Theo kết quả điều tra, rà soát của huyện Đức Cơ, năm 2024, toàn huyện còn 1.570 hộ nghèo, giảm 431 hộ so với cuối năm 2023, đạt tỷ lệ 2,28%. Trong đó có 1.417 hộ nghèo là đồng bào DTTS, giảm 4,77% so với cuối năm 2023. Trong thời gian tới, huyện Đức Cơ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để phát huy hơn nữa nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo của huyện, để cuộc sống của người dân trên địa bàn ngày càng khởi sắc.

Ngọc Hà – Viễn Khánh


Lượt xem: 6

Trả lời