Gia Lai đang bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích rừng đứng trước nguy cơ bị cháy. Để chủ động phòng, chống cháy rừng, các chủ rừng và các địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó chú trọng nâng cao trách nhiệm của các cộng đồng dân cư trong phòng, chống cháy rừng vào mùa khô.
Cộng đồng Thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ nhận khoán quản lý, bảo vệ gần 260 ha rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê. Để chủ động phòng chống cháy rừng, những ngày này, cộng đồng Thôn 1 thường xuyên phân công người đi tuần tra nhằm kiểm tra và kiểm soát lửa rừng, đốt dọn thực bì có điều khiển tại những vùng có nguy cơ cháy cao; đồng thời thành lập các tổ quản lý, bố trí nhiều chốt chặn kiểm soát, bảo vệ rừng.
Ông Phạm Đông Mạnh – Người dân Thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ chia sẻ: “Tôi và các hộ dân trong thôn tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Các tổ luôn có từ 3,4 người hằng ngày đi tuần tra kiểm soát 24/24 để kiểm tra lửa rừng. Khi có sự cố xảy ra, chúng tôi sẽ báo lại cho Ban Quản lý rừng Bắc An Khê biết; đồng thời cùng xử lý những tình huống khi có cháy rừng xảy ra…”
Ông Nguyễn Văn Bình – Người dân Thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ nói: “Mình tham gia trong tổ quản lý, hằng ngày thì cùng với tổ và cán bộ Ban quản lý đi tuần tra quan sát, ngăn chặn người dân sử dụng lửa trong những khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, theo dõi kỹ các điểm có nguy cơ cháy để thông báo ngay cho Ban Quản lý và lực lượng Kiểm lâm, nếu xảy ra cháy rừng nhằm xử lý kịp thời.”
Cùng với cộng đồng Thôn 1, còn có thêm 3 cộng đồng vừa nhận khoán, vừa là lực lượng phòng chống cháy rừng tại cơ sở, tham gia với Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê để quản lý hơn 10.000 ha rừng. Ban Quản lý đã phân công cán bộ, nhân viên phối hợp chặt chẽ với các cộng đồng dân cư thường xuyên tuần tra, bám nắm địa bàn và chủ động xây dựng phương án “4 tại chỗ”. Với diện tích rừng lớn, trong khi quân số đơn vị lại mỏng nên việc huy động lực lượng quần chúng tham gia phòng chống cháy rừng là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo triển khai tốt công tác phòng chống cháy rừng trong mùa khô.
Ông Lê Thái Hùng – Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê cho biết: “Đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, cử cán bộ trực cùng các tổ nhận khoán thường xuyên ứng trực tại các chốt trọng điểm cháy nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các điểm cháy xảy ra. Thành lập các tổ, đội PCCC rừng với lực lượng lên tới hàng trăm người. Đồng thời, triển khai các giải pháp kỹ thuật như đốt thực bì có điều khiển, làm hệ thống đường ranh cản lửa đối với những diện tích rừng có nguy cơ cháy cao. Đồng thời, huy động tất cả quân số xử lý với phương châm 4 tại chỗ gồm, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ để kịp xử lý các sự cố xảy ra…”
Huyện Đak Pơ đang quản lý gần 24.000 ha rừng, trong đó có hơn 19.000 ha rừng tự nhiên. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống cháy rừng và kiện toàn các ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện, xã; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, kiểm tra các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, đặc biệt là quan tâm huy động lực lượng quần chúng tham gia, nhằm thực hiện công tác phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả cao.
Ông Đào Duy Tuấn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Pơ trao đổi: “Để phòng chống cháy rừng trong mùa khô, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo cán bộ phối hợp với UBND các xã, các đơn vị chủ rừng tăng cường tuyên truyền cho bà con dân làng bảo vệ rừng, chấp hành các quy định khi sử dụng lửa khi đi rừng hay trên nương rẫy tránh xảy ra cháy rừng. Triển khai thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ, nếu có xảy ra cháy rừng thì kịp thời dập không để cháy lan, đặc biệt là tăng cường trực 24/24 những nơi có nguy cơ cháy rừng cao để kịp thời phát hiện và ngăn chặn sự cố cháy xảy ra…”
Gia Lai đang trong thời kỳ cao điểm của mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng huyện Đak Pơ và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn đang tích cực tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy; huy động tối đa lực lượng tổ đội quần chúng tham gia bảo vệ rừng, để chuẩn bị sẵn sàng các phương án chữa cháy; đồng thời trang bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ để ứng phó kịp thời khi có cháy rừng xảy ra./.
Ngọc Ánh – Huy Toàn
Lượt xem: 3