Kbang: Người dân phá bỏ cây cao su

Cập nhật 03/11/2015, 10:11:33

Cây cao su đã từng đem lại lợi nhuận cao cho người trồng và được ví là “vàng trắng”. Khi giá mủ cao su cao thì nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Kbang đã đổ xô trồng, nhưng đến khi bắt đầu thu hoạch thì mủ cao su lại rớt giá thê thảm. Gần 10 năm trồng, chăm sóc, hiện nhiều hộ đã trắng tay với cây trồng này và đành phải phá bỏ. 

Gia đình ông Bùi Văn Đà Tổ dân phố 11, thị trấn Kbang, huyện Kbang đã phá bỏ 3 ha cao su hồi đầu năm để chuyển sang trồng cây cam. Vào năm 2007, thấy mủ cao su có giá, ngoài việc chuyển 1,5 ha trồng cây ăn quả của nhà, ông Đà còn thuê thêm 8 ha đất khác để trồng cây cao su. Nhưng đến năm 2012, khi cao su bắt đầu có mủ thì cũng là lúc giá bắt đầu giảm mạnh. Qua thu hoạch cho thấy sản lượng mủ vẫn đạt nhưng giá thu mua quá thấp; ban đầu còn được 20 ngàn đồng một ký, sau đó còn hơn 10 ngàn và hiện chỉ còn vài ngàn đồng. Theo tính toán của ông Đà, với 1 ha cao su, thu trong 1 tháng thì bán được khoảng 7 triệu đồng, trong khi đó phải trả tiền thuê thợ cạo mủ mất 6 triệu. Thu chỉ vừa đủ trả tiền công nên 2 năm qua nhà ông không thu hoạch nữa mà phá bỏ cao su để chuyển đổi sang cây trồng khác.

          Ông Bùi Văn Đà cho biết: “Trước năm 2007 thì giá mủ cao su có lên, gia đình thấy vậy là gia đình chuyển đổi một số diện tích vải và hợp đồng thuê một diện tích đất để trồng cao su tổng thể là 9,5ha. Nhưng đến khi đi vào thu hoạch thì năm 2013 giá cao su xuống và đến 2015 thì xuống thấp nữa nên gia đình quyết định chuyển đổi 8 ha diện tích đất thuê từ cây cao su sang cây ăn quả. Thực tế thì trong năm 2015 này đã phá 3 ha chuyển sang trồng cây ăn quả và dự kiến số còn lại của 8 ha cũng sẽ phá luôn để chuyển sang trồng cam, quýt”.

 Ông Đà còn cho biết, 8 ha đất nhà ông thuê 20 năm với giá khoảng 100 triệu đồng mỗi năm; cộng với hơn 1 tỷ tiền đầu tư, chăm sóc, chưa tính tiền công, nay coi như trắng tay với cây cao su. Đắng lòng nhìn hàng ngàn cây cao su đầu tư tiền tỷ nhưng chưa thu được đồng nào, nay đành phải đốn hạ để chuyển đổi sang cây trồng khác, ông Đà không khỏi xót xa. “Nói chung chất lượng mủ là đạt nhưng giá thành nó xuống nên từ công thuê, công trồng, chăm sóc 8 năm nay kể như là mất trắng, mất khoảng 2 tỷ” ông  Đà nói.

Cũng như gia đình ông Đà, sau nhiều năm trồng mà không có lợi nhuận, đầu năm nay, nhiều hộ trồng cao su ở khu vực Dốc Ngựa (xã Đông – huyện KBang) đã phá bỏ, có người tận dụng gốc cao su làm trụ để bắc giàn trồng chanh dây.

 Anh Lê Văn Tân, Tổ dân phố 1, thị trấn Kbang, huyện Kbang nói: “Nhà có khoảng 2 ha cao su nhưng giá nó thấp quá nên tôi chuyển khoảng 5 sào sang trồng cây chanh dây. Số còn lại vẫn để khai thác nhưng không ăn thua. Giá nó thấp quá nhưng không có tiền để phá thêm trồng thứ khác. Giờ giá nó thế nên trồng cao su là mất trắng; nếu trồng cây khác thì giờ dư được nhiều tiền chứ vì 2 ha đất mà 8 năm; nên coi như cây cao su là mất trắng”.

          Ngoài ông Đà, anh Tân, thì nhiều hộ cũng muốn phá bỏ cao su để chuyển đổi cây trồng khác nhưng không có vốn để tái đầu tư, nên cứ đành để vậy với hy vọng giá mủ cao su sẽ nhích lên. Điệp khúc trồng rồi phá bỏ, hoặc được mùa mất giá đang gây  khó khăn cho người trồng cao su ở Kbang và nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh.

          Hiện toàn huyện Kbang có hơn 800 ha cao su. Trong đó có gần 440 ha cao su đại điền; còn lại là cao su tiểu điền. Trong vài năm tới nếu giá mủ cao su cứ như hiện nay thì sẽ có thêm nhiều nông dân Kbang phải trắng tay với loại cây trồng – một thời từng được ví là “vàng trắng” này.

 

                                                                   

Đức Hải ( Đài TT-TH KBang)


Lượt xem: 108

Trả lời