Trước tình hình sốt xuất huyết trong cả nước và trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp, thời gian qua, huyện Ia Pa đã chỉ đạo cho Ngành Y tế chủ trì phối hợp với ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức tự phòng bệnh; đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp để khống chế, không để sốt xuất huyết bùng phát và tăng cao so như mọi năm.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho 125 bệnh nhân trên địa bàn bị mắc sốt xuất huyết. Qua theo dõi, thăm khám cho thấy, đa số bệnh nhân khi nhập viện đều trong giai đoạn đầu nên việc chữa trị cũng không mấy khó khăn; chỉ khoảng 5 đến 10 ngày là đều xuất viện.
Bác sỹ Kpă Thoanh, Trưởng Khoa Nội – Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết đến thì đều đã có triệu chứng ở nhà rồi, có khi sốt cao từ 2 đến 7 ngày, rồi đau nhức mỏi cơ xương khớp; đôi khi có xuất huyết dưới da; và nhờ có sự tuyên truyền của đội ngũ y tế thôn bản nên đa số họ nhận biết được tác hại của sốt xuất huyết nên khi sốt là họ đến điều trị khi mới bị sốt chưa có dấu hiệu cảnh báo”.
Mặc dù số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết của huyện Ia Pa giảm so với cùng kỳ năm 2016, song qua theo dõi thì từ đầu năm đến cuối tháng 6 chỉ có 50 người mắc nhưng trong tháng 7 số người mắc sốt xuất huyết có tăng đột biến với gần 60 bệnh nhân; chủ yếu tập trung ở 2 xã Ia Trôk và Ia Mrơn. Do đó, huyện Ia Pa đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp để phòng, khống chế không cho dịch sốt xuất huyết bùng phát như: tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi ở những địa bàn phát sinh ổ dịch; đồng thời, vận động người dân tự nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết. Nhờ đó mà từ đầu tháng 8 đến nay tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Ia Pa đã cơ bản được kiểm soát.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Bây giờ xem qua truyền hình thì biết được bệnh này phát triển khắp nơi rồi nên người dân cũng sợ; nói chung là mọi người đều có ý thức hết vì sợ dịch sốt xuất huyết xảy ra, nhà nào cũng muốn phun thuốc sớm để đề phòng, các nước đọng, ao tù thì dân cũng đã biết giải phóng bớt những cái đó”.
Hiện nay, Gia Lai đang là mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, sinh sản và trước khuyến cáo về diễn biến của tình hình sốt xuất huyết, nên huyện Ia Pa đang tiếp tục triển khai các biện pháp để phòng, chống.
Bác sỹ Huỳnh Ngọc Thiên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Trước hết làm sao là phải giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường với khẩu hiệu là không có lăng quăng, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết. Và muốn làm được điều đó thì phải có sự phối hợp giữa y tế huyện, xã với chính quyền của xã và thôn và với cách thức mà thời gian qua y tế huyện triển khai mà cảm thấy có hiệu quả; đó là gắn các ban, ngành ở thôn, giao nhiệm vụ cụ thể, giao 1 người quản lý 20 đến 25 hộ với nhiệm vụ là cùng với các hộ dân làm các công việc theo hướng dẫn của chuyên môn, giải quyết các vật dụng mà có khả năng chứa nước và tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển”.
Hiện nay, Ban Y tế dự phòng huyện Ia Pa đang tiếp tục triển khai phun hóa chất diệt muỗi ở một số ổ dịch cũ của các năm trước; đồng thời, tiến hành điều tra mật độ muỗi ở các địa bàn trọng điểm về sốt xuất huyết nhằm kịp thời nắm bắt tình hình để triển khai các biện pháp khống chế, không cho sốt xuất huyết bùng phát và lây lan sang các địa bàn khác./.
Đức Hải, Huy Toàn
Lượt xem: 40