Sáng 23.5UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn (2011-2013). Đồng chí Phạm Đình Thu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tham dự hội nghị.
Đồng chí Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị.
Sau 3 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn (2011-2013), Gia Lai đã đạt được một số kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn ngày càng có nhiều khởi sắc, đời sống các dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 5 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. 45 xã điểm, bình quân mỗi xã đạt 10,27 tiêu chí. Về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong 3 năm (2011-2013), các chính sách an sinh xã hội, chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề lao động nông thôn…được thực hiện lồng ghép và triển khai đồng bộ, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Trong 3 năm (2011-2013), toàn tỉnh đã giảm được hơn 26 ngàn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,75% năm 2011 xuống còn 17,23% vào cuối năm 2013. Các chỉ tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục, hạ tầng cơ sở, nước sạch…đạt và vượt so với kế hoạch.
Hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế, qua đó đề xuất về giải pháp thực hiện trong thời gian tới để chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng khẳng định chương trình xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng – Nhà nước, vì vậy Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm theo dõi, tích cực chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý là việc triển khai thực hiện nông thôn mới ở cấp xã còn hạn chế, lúng túng, hiệu quả lồng ghép các chương trình, dự án chưa cao. Công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ còn cao, xấp xỉ 83% trong tổng số hộ nghèo…Phân tích nguyên nhân của những tồn tại trên, đồng chí chủ tịch UBND tỉnh cho rằng ngoài yếu tố khách quan, còn có sự chủ quan của một số ban, ngành, địa phương trong khi thực hiện. Hàng năm nguồn lực tỉnh đầu tư cho các địa phương là rất lớn nhưng hiệu quả mang lại không tương xứng với mức đầu tư. Nguyên nhân là các địa phương thiếu sự linh hoạt trong vận dụng chính sách đầu tư.
Đồng chí chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ban, ngành, địa phương cần phải tập trung đánh giá lại hiệu quả công tác đầu tư, đánh giá lại công tác đào tạo nghề lao động nông thôn phù hợp với yêu cầu thực tế, tăng cường công khuyến nông để nâng cao trình độ, kỹ thuật canh tác của người dân, tăng cường công tác tuyên truyền, soát xét lại các tiêu chí đã và chưa đạt được, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan, đưa ra các giải pháp thực hiện cụ thể.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện phải hết sức cụ thể, thiết thực đề ra các giải pháp ưu tiên. Qua ý kiến của các đồng chí vẫn còn những lúng túng, nhận thức chưa đồng nhất. Do đó chúng ta phải tạo được nhận thức. Trước hết trong cấp ủy, chính quyền phải thống nhất. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp với các cuộc vận động, phong trào thi đua, lồng ghép các chương trình trên địa bàn. Tôi muốn các đồng chí tập trung chỉ đạo quyết liệt 2 chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo…
Nhân dịp này UBND tỉnh đã quyết định tặng bằng khen cho 6 tập thể và 6 cá nhân đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới.
Hồng Uyên-Xuân Huy
Lượt xem: 65