Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 (mở rộng): Tập trung thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm

Cập nhật 06/12/2024, 18:12:37

Trong khuôn khổ Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ 18 (mở rộng), trên cơ sở ý kiến gợi ý của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên và Dự thảo Báo cáo ước thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích nhiều vấn đề trọng tâm; nhất là đối với 4 chỉ tiêu không đạt và tham gia ý kiến đối với Dự thảo lần 1 của Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030; việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Theo Dự thảo Báo cáo ước thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, đến nay, đã có 17/21 chỉ tiêu về kinh tế xã hội đã đạt và vượt so với nghị quyết đề ra. Trong đó, 4 chỉ tiêu không đạt là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ và chỉ tiêu đô thị hóa. Lý giải về chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh trong năm 2024 (theo giá so sánh 2010) đạt 4,54%, không đạt so với nghị quyết đề ra; lãnh đạo các ngành chức năng cho rằng nguyên nhân là do chỉ số sản xuất công nghiệp dù tăng so với năm 2023 song tốc độ tăng trong lĩnh vực năng lượng đạt thấp nên dẫn đến chỉ số GRDP của tỉnh không đạt chỉ tiêu đề ra.

Đồng chí Nguyễn Đình Tám –  Quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Gia Lai: “Đối với chỉ số Tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh thì theo tính toán của Tổng Cục thống kê công bố thì nguyên nhân dẫn đến chỉ số năm 2024 của tỉnh đạt thấp là do tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực năng lượng đạt thấp; trong đó 4 nhà máy thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh trong năm nay đều thu không đạt yêu cầu đề ra; trong đó Thủy điện Ia Ly là bị thụt giảm nhiều nhất;dẫn đến Tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh đạt thấp.”

Tham gia ý kiến trong phiên thảo luận, đồng chí Rah Lan Chung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã thông tin một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp của UBND tỉnh để khơi thông các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhằm nâng cao Tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh.

Đồng chí Rah Lan Chung –  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: “Trong bối cảnh khó khăn chung song, UBND tỉnh đã rất quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, vừa qua đã tổ chức gặp mặt với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương để tạo sự đồng hành và chia sẻ trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh; cùng với đó là tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn để trò chuyện, trao đổi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; và chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi để tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ y tế và nhiều hoạt động khác. Thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục có các giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt để sớm triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh. Qua đó, nhằm thúc đẩy kinh tế – xã “.

Đối với chỉ tiêu Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 5.890 tỷ đồng, vượt 4,72% so với nghị quyết và tăng 5,83% so với năm 2023. Tuy nhiên việc thu tiền sử dụng đất dù cao hơn so với năm ngoái song vẫn không đạt kế hoạch đề ra. Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Thuế và Sở Tài chính tỉnh Gia Lai thông tin về các giải pháp trong quản lý, khơi tăng nguồn thu để đảm bảo chỉ tiêu của năm 2024 và chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2025 đề ra là 6.435 tỷ đồng.

Đồng chí  Lê Minh Nhựt – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai: “Để đạt được mcụ tiêu đề ra trong năm 2024 thì chúng tôi đã tập trung vào các nhóm giải pháp là quản lý chặt các nguồn thu, nhất là thu tiền sử dụng đất; đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai có hiệu quả hóa đơn điện tử nên đã giảm bớt các thủ tục…”

Đồng chí Nguyễn Anh Dũng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai: “Đối với chỉ thu ngân sách năm 2025 thì Trung ương giao là 6.253 tỷ đồng song căn cứ tình hình thực tế chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ tiêu thu là 6.435 tỷ đồng, tăng 180 tỷ so với dự toán Trung ương giao. Và để đạt được mục tiêu này thì chúng tôi sẽ tiếp tục khơi tăng nguồn thu về thu tiền sử dụng đất. Và đối với 5 dự án lớn của tỉnh đã cơ bản được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nên khả năng thu đạt chỉ tiêu đề ra là rất lớn. Và cùng với đó là tập trung thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế thì sẽ thúc đẩy nguồn thu.”

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục một số tồn tại, hạn chế về công tác phối hợp giữa các cấp ủy, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện các chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và của Tỉnh ủy trong tham mưu thực hiện một số dự án trọng điểm của tỉnh, công tác khắc phục các kết luận thanh tra, kiểm tra; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông ….

 Đối với việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đều bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với chủ trương của Trung ương. Tuy nhiên, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Đồng chí Trịnh Duy Thuân – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku: “Các huyện hiện nay đều đang gặp rất nhiều vướng mắc trong việc bố trí, sắp xếp tinh gọn bộ máy. Như ở TP thì có đặc thù riêng và có một số phòng, ban có chức năng tương đồng với cấp huyện song khi sắp xếp cũng phải tính toán thật kỹ. Do đó, trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần được hướng dẫn cụ thể.”

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa: “Triển khai tổng kết NQ 18 thì ở Đảng bộ chúng tôi rất là đồng thuận, đồng tình song Trung ương cần có định hướng, hướng dẫn trong triển khai để cho cơ sở triển khai thực hiện. Vì khi triển khai sáp nhập các cơ quan khối Đảng, khối Chính quyền thì cần sớm ban hành hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan vì trước đây đã triển khai sáp nhập một số đơn vị nhưng không quy định cụ thể nên gặp lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ. “

 Đồng chí Huỳnh Quang Thái – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai: “Căn cứ Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và tham khảo ở các địa phương thì Ban Tổ chức đã tham mưu cho BTV Tỉnh ủy triển khai thực hiện và mới đây nhất thì Trung ương lại có 2 văn bản chỉ đạo và chúng tôi đang tham mưu cho BTV Tỉnh ủy có văn bản hướng dẫn cụ thể. Ở đây là có 2 vấn đề một là tổng kết NQ 18 và đề xuất phương án tổng thể sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì phải đúng tiến độ quy định. Song song với đó thì chúng ta phải tiến hành sắp xếp các cơ quan, đơn vị; đối với những cơ quan, đơn vị không thuộc diện sắp xếp thì vẫn phải tiến hành tinh gọn bộ máy bên trong; thứ hai đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp thì cần xây dựng được phương án để gửi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy để khi Trung ương có văn bàn thì triển khai thực hiện ngay. “

Đối với Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030, qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất theo dự thảo mà Tiểu ban Văn kiện đã tổng hợp, soạn thảo đúng theo Đề cương đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua và cơ bản đã được rút gọn còn 65 trang. Trong Dự thảo lần 1 của Báo cáo chính trị đã nêu rõ về Chủ đề và Phương châm của Đại hội và gồm có 3 phần, 2 phụ lục kèm theo. Các đại biểu đã cơ bản thống nhất về nội dung của từng phần trong Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị; nhất là phần đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2025 -2030./.

Đức Hải – R’Piên – Phi Long


Lượt xem: 14

Trả lời