Hội diễn “Tiếng hát tình đời” – Khơi nguồn khát vọng hoàn lương

Cập nhật 06/10/2016, 08:10:36

Sáng 5/10, tại Trại giam Gia Trung, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an đã diễn ra Hội diễn “Tiếng hát tình đời” năm 2016. Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng Hội diễn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, nhất là các phạm nhân, trại viên của 7 đơn vị trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc thuộc Cụm thi đua số 5 – Khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Bởi lẽ sân chơi này không chỉ là nơi để phạm nhân thể hiện năng khiếu văn nghệ của mình mà còn là dịp bộc lộ nỗi niềm, suy nghĩ của người từng lầm lỗi và nhất là khơi nguồn khát vọng hoàn lương.

5-10-hoidien

Tham gia Hội diễn “Tiếng hát tình đời” lần thứ 3 năm nay có gần 200 diễn viên là phạm nhân, trại viên của 7 đơn vị: Gia Trung, Kim Sơn, Xuân Phước, Đăk Tân, Đăk Trung, Sông Cái và trại giam A2, thuộc Cụm thi đua số 5 – Khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc tại các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã dành nhiều quan tâm chăm lo đời sống vật chất, nhất là tinh thần cho phạm nhân. Đặc biệt là tổ chức những sân chơi văn hóa, văn nghệ như thế này.

Đại tá Nguyễn Đình Ba – Giám thị Trại giam Gia Trung-Tổng cục VIII, Bộ CA cho biết: “Việc tổ chức Hội diễn “Tiếng hát tình đời” trong phạm nhân mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc đồng thời tác động đến việc giáo dục, học tập cho phạm nhân. Đây là món ăn tinh thần trong phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục phạm nhân thi đua học tập, cải tạo tốt sớm trở về với gia đình. Họ sẽ thực hiện tốt hơn bản án của mình, khi tái hòa nhập cộng đồng, họ sẽ tự tin, giảm tâm lý bị kỳ thị, qua đó làm người lương thiện để góp công, góp sức xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”.

Được biết, tham gia Hội diễn là những hạt nhân văn nghệ được phát hiện, bồi dưỡng tại các đơn vị trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Trong số này, có người được đào tạo cơ bản ở ngoài đời nhưng cũng không ít người mặc dù không được đào tạo qua trường lớp về nhạc lý nhưng vẫn nhiệt tình tham gia. Đó chính là lòng đam mê âm nhạc  và đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ của Ban giám thị đã giúp phạm nhân tự tin thể hiện bài dự thi của mình.

Phạm nhân Nguyễn Duy Quang – Trại giam Gia Trung – Tổng cục VIII, Bộ CA chia sẻ: Trong môi trường này, tất cả phạm nhân đều phải rèn luyện trong khuôn khổ, nội quy trại. Ở đây, Ban giám thị trại tạo điều kiện rất nhiều cho phạm nhân, quan tâm đời sống vật chất, về mặt tinh thần cho phạm nhân, tạo môi trường văn hóa, văn nghệ. Ngay bản thân tôi rất phấn khích,  lấy đó làm động lực để cải tạo thật tốt, để sớm trở về với cộng đồng.

Gần 40 tiết mục dự thi, trong đó phần lớn là hát múa, kịch, biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc được các phạm nhân thể hiện sôi động, khá chuyên nghiệp. Đây còn là sự kết nối giữa những mảnh đời lầm lỗi, từ đó giúp phạm nhân có ý thức bồi dưỡng nhân cách, định hướng niềm tin và hy vọng vào ngày mai tươi sáng. Kết quả này cũng thể hiện rõ nét sự quan tâm, hỗ trợ của Ban giám thị 7 đơn vị trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc thuộc Cụm thi đua số 5 đối với phong trào văn hóa, văn nghệ trong phạm nhân.

Đại tá Lương Xuân Ngợi – Giám thị Trại giam Đăk Tân – Tổng cục VIII, Bộ CA cho biết: “Trong quá trình tổ chức văn nghệ, chúng tôi tiếp tục phát huy tinh thần học hỏi lẫn nhau giữa trại viên này với trại viên khác, giữa trại này với trại khác, giữa phạm nhân này với phạm nhân khác. Hội diễn có ý nghĩa rất tốt trao đổi kinh nghiệm, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước của phạm nhân, giúp họ luôn hướng về đất nước và có chiều hướng cải tạo tiến bộ”.

Sau một ngày thi sôi nổi, Hội diễn “Tiếng hát tình đời” khép lại trong dư âm của những bài hát ca ngợi tình yêu đất nước, con người, sự hy sinh lặng thầm của đội ngũ cảnh sát thi hành án hình sự ở khắp mọi miền đất nước và những nét đẹp tình người trong trại giam. Đó không chỉ là lời ca, tiếng hát mà còn là sự trải lòng của phạm nhân về một thời lầm lỗi mà quan trọng hơn cả đã khơi dậy tinh thần hướng thiện, giúp họ tiếp thêm động lực cải tạo thật tốt, sớm là con người có ích của gia đình, cộng đồng.

Thu Thủy, Đặng Trà


Lượt xem: 681

Trả lời