Hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn tràn lan tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 31/7/2017, 14:07:06

Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng hàng nhái, hàng giả và các loại thực phẩm như rau, thịt, cá không rõ nguồn gốc vẫn được bán công khai. Sự hiểu biết của người dân về chất lượng sản phẩm còn hạn chế là nguyên nhân chính khiến thị trường này trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc tung hoành. Ghi nhận  tại huyện Krông Pa.

Chỉ từ 1.000 đồng đến 5.000 đồng, những đứa trẻ đã có thể sở hữu nhiều loại bánh, kẹo, nước uống với nhiều màu sắc hấp dẫn, bắt mắt. Những mặt hàng được bày bán tại các cửa hàng tạp hóa ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số đều có chung tình trạng: không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có loại đã hết hạn sử dụng. Thậm chí có những sản phẩm làm nhái các nhãn hàng nổi tiếng một cách công khai.

Chị Nay H’Tranh, buôn Lang Mới, xã Chư Căm, huyện Krông Pa cho biết: “Mình bán hàng lâu rồi. Hàng lấy ngoài thị trấn, mấy tiệm tạp hóa to đấy. Cũng bán thôi không biết nguồn gốc thế nào. Người ta vẫn mua mà”.

Chị Vũ Thị Tươi, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa cũng nói: “Mình lấy hàng về bán thôi chứ cũng không rõ nguồn gốc thế nào. Bà con đến mua mình bán thôi, cửa hàng mình cũng nhỏ lẻ, không bán gì nhiều”.

Với mức thu nhập còn thấp và sự hiểu biết còn hạn chế, người dân ở vùng sâu, vùng xa có tâm lý ưa chuộng các mặt hàng giá cả thấp. Đó cũng là nguyên nhân khiến hàng kém chất lượng có điều kiện len lỏi, tràn về khắp các vùng này. Rất khó chỉ ra nhóm hàng nào không bị làm giả, làm nhái, từ những mặt hàng thiết yếu hàng ngày như: Đường, bột ngọt, dầu ăn,… đến cả những mặt hàng nhu yếu phẩm khác. Người mua chỉ còn cách mua bằng niềm tin của người bán hàng.

Chị H’Lei, Buôn Tu, xã Chư RKăm, huyện Krông Pa nói: “Mình cứ mua thôi. Chất lượng thế nào mình không biết”.

Đặc biệt, tại nhiều thôn, buôn trên địa bàn huyện Krông Pa bày bán các loại thực phẩm như: thịt, cá, dưa ngâm chua, rau được lấy từ các chuyến xe “2 sọt” ở nơi khác đến không rõ nguồn gốc, bằng mắt thường có thể thấy chất lượng các mặt hàng này rất thấp. Hơn nữa, cách bảo quản, bày bán cũng rất sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Được biết trên địa bàn huyện đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể do dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc nhưng công tác quản lý việc mua bán các mặt hàng này gặp nhiều khó khăn và bất cập.

Bà Bùi Thị Trạng- Phòng y tế huyện Krông Pa cho biết: “ Việc quản lý các mặt hàng ăn uống, thực phẩm như thịt cá mua bán tại các chợ nông thôn, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện còn nhiều bất cập. Bởi vì lực lượng cán bộ nhân viên làm công tác này thiếu; hơn nữa việc kiểm soát mua bán khó”.

Không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất của doanh nghiệp, cho nền kinh tế mà nguy hiểm hơn, hàng giả, hàng kém chất lượng đã trực tiếp đe dọa sức khỏe và tính mạng của người dân. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua các loại hàng hóa, cần quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thay vì chỉ quan tâm đến giá cả, mẫu mã, bao bì của các mặt hàng. Đồng thời, các cấp, các ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở  vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Nhâm Dung, Hà Đức, Cao Duy, Sơn Trung


Lượt xem: 67

Trả lời