Với đặc thù là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chiếm nhiều nhất là người Bana, nên công tác vận động học sinh đến lớp tại các trường thuộc 5 xã Đông Sông huyện Mang Yang gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, đây đang là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của của ngành GD-ĐT huyện Mang Yang. PS được thực hiện tại các trường PTDT bán trú Trung học cơ sở các xã Đông sông huyện Mang Yang.
Nhiều bàn học bỏ không do thiếu vắng học sinh đến lớp.
Bước vào mùa thu hoạch hoặc trồng mì tình hình học tập của HS tại các trường thuộc 5 xã Đông sông huyện Mang Yang lại rơi vào trạng thái không ổn định. HS đến lớp thưa thớt, nhất là những nơi có đông con em đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đi học bữa có bữa không hoặc nghỉ học kéo dài đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các trường vùng sâu vùng xa. Trước tình trạng trên, thầy cô giáo tới tận các thôn làng, tới từng gia đình để động viên, nhắc nhở các em đến trường
Trò chuyện với Thầy Trần Minh Nhựt -Trường PTDT bán trú Trung học cơ sở Lơ Pang, thầy Nhựt cho biết: Tình trạng các em bỏ học diễn ra khá phổ biến. Chúng tôi phải thường xuyên đến nhà vận động phụ huynh đưa các em đến trường. Qua vận động thì thấy có hiệu quả. Đối với các em bỏ học thì nhà trường tổ chức chức phụ đạo cho các em để theo kịp chương trình học.
Thầy cô giáo đi vận động học sinh ra lớp.
Gặp gỡ Anh Nếp-Một phụ huynh học sinh ở xã Lơ Pang huyện Mang Yang, chúng tôi được anh Nếp cho hay: Nhà mình khó khăn nên con không chịu đi học. Trước đây nó bỏ học nhiều lắm nhưng nhờ thầy cô vận động giờ nó đã đỡ rồi, đã chịu đến lớp học rồi.
Trên thực tế, đời sống của bà con ở các xã vùng sâu vùng xa huyện Mang Yang vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy các em thường lên rẫy phụ giúp cha mẹ kiếm tiền khi mùa vụ đến. Hơn nữa, tâm lý của các em là nghỉ học 2 hoặc 3 ngày thì không sao. Chính những điều này đã nảy sinh tư tưởng ỷ lại và xem thường việc học không chỉ của các em học sinh mà trong cả nhận thức của các bậc phụ huynh.
Thầy Hoàng Kim Hữu- Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Trung học cơ sở Đê Ar khẳng định: Công tác vận động học sinh ra lớp gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là các em ở lứa tuổi THCS cũng đã lớn nên là lao động giúp bố mẹ thu hoạch mì, trồng mì, thu họach lúa. Tuy nhiên chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động các em đến lớp. So với nhưng năm trước đây Đê Ar là điểm nóng về tình trạng học sinh bỏ học nhưng hiện nay tình trạng này cũng đã giảm đáng kể.
Còn đây là lời tâm sự của Thầy Nguyễn Văn Cư-Hiệu phó trường PTDT bán trú Trung học cơ sở Lơ Pang: Hàng tuần chúng tôi nắm sĩ số học sinh. Theo đó đối với trường hợp học sinh bỏ học, nhà trường phối hợp với UBND xã, đoàn thể, thôn trưởng để tuyên truyền vận động. UBND xã cũng đã phân công Đảng viên phụ trách từng làng, theo dõi nắm bắt tình hình học tập của các em. Với sự quan tâm của nhà trường và chính quyền địa phương, tình trạng bỏ học cũng đã giảm rõ rệt. Mặc dù không tránh khỏi những ngày mùa học sinh bỏ học theo cha mẹ làm nương rẫy nhưng chỉ vào mùa vụ chứ không còn bỏ học như trước kia. Tỷ lệ học sinh đến lớp đạt trên 80%.
Các xã phía đông huyện Mang Yang lâu nay luôn là vùng trũng về giáo dục. Đã từng có HS ngồi nhầm lớp, lên đến lớp 6, 7 vẫn chưa thể đọc thông viết thạo. Dù có sự phối hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương nhưng hiệu quả huy động HS đến trường vẫn chưa cao. Tuy nhiên có một thực tế là những năm gần đây tình trạng học sinh bỏ học theo mẹ lên nương lên rẫy trong các mùa vụ cũng đã giảm đáng kể. Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của tập thể giáo viên và chính quyền địa phương tuyên truyền vận động học sinh đến trường thì việc triển khai xây dựng mô hình trường học bán trú trong thời gian qua cũng đã góp phần lưu giữ các em ở lại trường, qua đó nhà trường có điều kiện bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.
Thiên Nga-Thiên Thanh
Lượt xem: 141