Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa xây dựng khang trang; những căn nhà ọp ẹp dần dần không còn nữa; thu nhập của người dân tăng lên… Đó là những điều đã và đang hiện hữu ở nông thôn huyện Đak Pơ sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới.
Trong vòng 2 năm trở lại đây, những con đường liên thôn, liên xã trải bê tông bằng phẳng, rộng rãi, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, giao thương phát triển, người dân đưa cơ giới hóa đẩy nhanh tiến độ sản xuất… tất cả tạo nên một “bức tranh” nông thôn mới đầy sức sống. Có được kết quả đó là nhờ sự năng động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự chung sức, chung lòng của nhân dân các dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó chủ tịch UBND xã Cư An, huyện Đak Pơ cho biết: “Chương trình nông thôn mới này rõ ràng đã thực sự đi vào lòng dân. Và nhân dân là người hưởng lợi, thế cho nên là trong công tác xây dựng nông thôn mới là chúng tôi xác định là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước hỗ trợ và nhân dân là chính. Từ đó chúng tôi làm tốt công tác tuyên truyền vận động để mọi người dân được hưởng lợi từ các công trình và đồng thời tham gia hưởng ứng các công trình để cùng với nhà nước để xây dựng công trình cho hoàn chỉnh trong hệ thống đường giao thông nông thôn, điện, cơ sở vật chất văn hóa trong thôn, trong xóm.”
Dù kinh tế còn khó khăn nhưng các địa phương đã nỗ lực huy động sự đóng góp của người dân thông qua việc hiến đất, góp tiền, vật liệu, ngày công lao động cho xây dựng công trình hạ tầng. Các chương trình, dự án như 135, 30a… đã giúp kiên cố hóa được hơn gần 50 km đường giao thông nông thôn. Hàng chục mô hình trồng trọt, chăn nuôi được xây dựng thành công, góp phần từng bước nâng cao đời sống của nhân dân Tính đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 24,8 triệu đồng/ người/ năm. Tăng gấp 1,3 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo chuẩn đa chiều giảm còn 13,56%. Đến nay, toàn huyện đã có 4 xã được công nhận xã nông thôn mới đó là Tân An, Phú An, Hà Tam và Cư An.
Ông Nguyễn Thanh Phượng, Thôn Tân Hòa, xã Tân An, huyện Đak Pơ cho biết: “Các con đường trong nông thôn được hoàn thành, người dân rất là phấn khởi. Đi lại, mùa màng thu hoạch rất là tiện. Thứ 2 nữa là công tác cho con học hành hay là y tế, tất cả ở trên cùng chăm sóc rất đầy đủ. Rồi xóa đói giảm nghèo cũng rất được quan tâm. Nói chung sau một thời gian, thay đổi sau nông thôn mới là cảnh quan của địa phương rất là tiến bộ. Người dân rất là vui mừng.”
Xây dựng nông thôn mới là nâng cao mức sống cho người dân. Nhiều năm qua, huyện Đak Pơ luôn chú trọng mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển giao thông nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế, cơ giới hóa sản xuất…
Ông Huỳnh Văn Hơn, Phó chủ tịch UBND huyện Đak Pơ nói: “Hệ thống giao thông nông thôn đã cứng hóa, bê tông hóa, rồi cái việc bảo vệ môi trường, ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã có nâng lên. Tuy rằng so với yêu cầu chưa đạt theo mong muốn. Nhưng đã có chuyển biến tốt. Thứ 2 là về sản xuất. Thì mô hình sản xuất liên kết đã được thể hiện đó là cây trồng chủ lực đó là cây mía trên địa bàn đã có năng suất cao thông qua việc đầu tư, áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thông qua liên kết với nhà máy đường. Huyện cũng có những cái chính sách về xây dựng cánh đồng mía lớn nhằm tăng thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích.”
Giờ đây, nhiều nông dân ở Đak Pơ không còn bận tâm nhiều đến bữa cơm no bụng mà thay vào đó là nghĩ tới việc tích lũy, mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Nhìn lại chặng đường đã qua, một khoảng thời gian chưa dài, nhưng đó là quãng thời gian ghi dấu những nỗ lực sáng tạo, cần cù và chắt chiu của người dân nông thôn để rút dần khoảng cách với người dân thành thị. Khi ý Đảng hợp lòng dân đã tạo thành sức mạnh nội lực, làm nên sức sống mới, góp sức cho mỗi vùng nông thôn ở Đak Pơ chuyển mình mạnh mẽ.
Nguyễn Hiền – Văn Dũng
Lượt xem: 74