Chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đậu phụng cho nông dân

Cập nhật 19/4/2016, 14:04:26

Bà con nông dân các vùng trồng đậu phụng tập trung tỉnh Bình Định đang thu hoạch vụ Đông Xuân năm nay với niềm vui được mùa, được giá. Kết quả này có được là nhờ Chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm  cho nông dân đã được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ xây dựng thành công.

Vụ Đông Xuân 2015-2016, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát có 37 ha đậu phụng nằm trong Chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân, được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ xây dựng. Sau hơn 3 tháng đầu tư chăm sóc, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch  với niềm vui được mùa, được giá. Giá bán đậu phụng tươi từ 10 đến 13 ngàn đồng/kg. Năng suất hơn 8 tấn tươi/ha. Trong điều kiện thời tiết vụ đông xuân vừa qua không thuận lợi, kết quả này khiến bà con rất phấn khởi.

Ông Trần Duy Thông – Thôn Phong An, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát  cho biết: "Giống đậu phụng chống chịu sâu bệnh, phát triển tốt; Viện KH Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, quan tâm nông dân. Về phân bón năm nay bón phân Bipha nên thấy hơn hẳn, tuy thời tiết ít thuận lợi nhưng năm nay năng suất đạt hơn năm ngoái" . 

Trong bối cảnh nguồn nước tưới hạn chế, các địa phương đang đẩy mạnh sản xuất cây trồng cạn, diện tích đậu phụng ngày càng nhiều, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã chọn cây đậu phụng để xây dựng chuỗi liên kết nhằm góp phần hỗ trợ nông dân. Và chuỗi liên kết đã thành công nhờ sự tham gia của 4 nhà: Nhà khoa học, nhà nông, nhà nước và nhà doanh nghiệp.

Ông Đào Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát cho biết: Chúng tôi đã vận động nhân dân thực hiện chuỗi liên kết này để đảm bảo cho bà con vấn đề tiêu thụ sản phẩm , nếu bán cho tư thương rất bấp bênh; giữa hộ nông dân với doanh nghiệp ký kết hợp đồng, đến nay 7 ha đã bán cho doanh nghiệp .

Ông Lê Văn Liêm – Giám đốc Cty TNHH Thuận Giao, thị xã An Nhơn nói: Tham gia Chuỗi liên kết này với mục đích chính là ổn định sản phẩm của doanh nghiệp và đảm bảo sản lượng ổn định, bao tiêu hết sản phẩm cho bà con, có hàng dể ký với công ty lớn, công ty  nước ngoài và đảm bảo thu mua hết hàng cho bà con.

          Xây dựng Chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản là một chủ trương lớn của ngành nông nghiệp. Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ mạnh dạn thực hiện chủ trương này cũng nhằm phát huy tối đa hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật mới.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Thọ – Giám đốc TT chuyển giao công nghệ, Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ cho biết: "Viện đã tập huấn để bà con nông dân nắm rõ quy trình sản xuất; và đầu tư giống, lôi kéo doanh nghiệp đầu tư chi phí đầu vào như phân bón cho bà con; để Chuỗi liên kết thành công thì phải có sự ký kết của bà con nông dân thông qua hợp đồng kinh tế, chính quyền địa phương sẽ là trọng tài, tuyên truyền vận , vận động bà con nông dân nhận thức vai trò của bà con trong chuỗi này; các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện trong hợp đồng kinh tế; đảm bảo đầu  ra cho nhân dân ổn định, đặc biệt là cái giá đầu ra”.

        Được biết, chỉ tính riêng vụ đông xuân năm nay, ngoài tỉnh Bình Định, Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ còn xây dựng Chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đậu phụng cho nông dân các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi với tổng diện tích hơn 100 ha; dự kiến năng suất 8 tấn tươi/ha; giá doanh nghiệp bao tiêu tối thiểu 10 ngàn đồng/kg tươi. Thực tế tại Bình Định cho thấy, khi nhà khoa học và Nhà nước hết lòng vì nông dân, khi doanh nghiệp đảm bảo lợi ích tối thiểu cho nhà nông; đồng thời nhà nông biết coi trọng chữ tín với doanh nghiệp, thì Chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản sẽ được duy trì bền vững./. 

Bá Trí – Minh Hoàng


Lượt xem: 112

Trả lời