Bia đá khắc ghi lời thề

Cập nhật 19/4/2016, 14:04:28

Sau khi Quảng trường Đại đoàn kết đi vào hoạt động vào cuối năm 2012, hằng ngày có rất nhiều du khách gần xa và nhân dân trong tỉnh đã đến tham quan và viếng Bác Hồ. Nằm bên trái tượng Bác, tấm đá tạc toàn văn bức thư Bác Hồ gởi cho Đại hội các Dân tộc thiểu số miền Nam vào năm 1946 luôn là điểm đến của mọi người. 

Bác Hồ trong lòng dân Gia Lai.

Ngày 19.4.1946 được ghi vào trang sử hào hùng của tinh thần đại đoàn kết các dân tộc khi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku tổ chức thành công tốt đẹp. Đặc biệt hơn, trong ngày này Tây Nguyên đón nhận thư Bác Hồ gởi gắm tất cả  niềm tin của Đảng, Chính phủ đối với các dân tộc thiểu số ở miền Nam thân yêu. Chỉ vỏn vẹn không đầy một trang giấy nhưng thư Bác như một lời hiệu triệu, bản “cương lĩnh” để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên noi theo. Và lời dạy ấy của Bác Hồ đã được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Gia Lai khắc ghi trong tâm khảm, biến thành thực tiễn minh chứng qua những năm tháng đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt, đoàn kết xây dựng tỉnh phát triển ngày một ổn định, bền vững. Trong quá trình xây dựng quảng trường Đại đoàn kết vào năm 2010, tỉnh Gia Lai quyết định khắc toàn bộ nội dung bức thư của Bác trên tấm đá nặng hơn 102 tấn đặt nơi phía bên trái tượng Bác Hồ. Đây không chỉ là một trong những điểm nhấn tại quảng trường mà còn là lời nhắc nhở cho các thế hệ cháu con về truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc Việt qua lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Đó là lời nhắn nhủ của Hồ Chủ tịch gửi gắm trong bức thư gửi “Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam” ngày 19.4.1946 mà cho đến tận ngày nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn lấy làm chân lý sống cho mình.

Bà Rơ Châm H’Ýeo  – Phó chủ tịch hội cựu chiến binh tỉnh được xem là một trong những nhân chứng sống của lịch sử Gia Lai những năm 60 của thế kỷ 20 kể cho chúng tôi nghe về quá trình đón nhận thư Bác. Hồi đó người dân Gia Lai nghèo lắm, không có đủ gạo, đủ muối để ăn, không đủ áo để mặc nhưng vẫn kiên trung, dũng cảm theo Bác Hồ, theo cách mạng đến cùng. Ngày nhận thư Bác, bà con ở các làng ai cũng mừng rơi nước mắt. Như vậy là các dân tộc Tây Nguyên đã được ở trong tim chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn được Chính phủ quan tâm đặc biệt. Không ai bảo ai, người Jrai cũng như Bana, mỗi nhà đều dịch bức thư của Bác treo vào nơi trang trọng nhất ở trong gia đình. Những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt đến là vậy nhưng đồng bào Kinh hay Thổ, Bana hay Jrai trên đất Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng vẫn sắc son một lòng với cách mạng, vẫn đoàn kết bên nhau đánh đuổi giặc Pháp, Mĩ rồi tàn quân Fulro và sau đó bắt tay vào kiến thiết quê hương. Có được điều này là nhờ mỗi người thấm nhuần lời dạy của Bác về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, về giá trị bất biến của lòng tự hào cách mạng. Bà H’Yéo kể thêm: Sau ngày giải phóng, Chính phủ cũng quyết định để Gia Lai được dịch thư Bác ra các thứ tiếng của đồng bào Tây nguyên. Lúc bấy giờ bà đang công tác tại UBMTTQVN tỉnh, lòng rất vui, tự hào vì mình là một trong những người ở tỉnh Gia Lai được tham gia dịch thư Bác Hồ và toàn văn bức thư ấy được tạc trên đá đặt trong khuôn viên Tỉnh ủy.

Bia đá khắc ghi lời thề

Và mãi đến hơn nữa thế kỷ sau, toàn văn bức thư lại đến với mỗi người dân khi được tạc trên tấm đá nặng hơn 102 tấn đặt ở quảng trường Đại đoàn kết. Theo quan điểm của ông Phan Xuân Vũ – Giám đốc sở VHTT&DL tỉnh thì việc tạc bức thư bằng đá tại quảng trường Đại đoàn kết là quyết định rất sáng suốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Điều này không chỉ nhắc nhở các thế hệ cháu con về một quá khứ hào hùng, liệt oanh của lớp lớp cán bộ, nhân dân các dân tộc Gia Lai trường kỳ chiếu đấu, chiến thắng giặc đói, giặc dốt mà còn là sự cộng hưởng tinh thần đại đoàn kết cả dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Để làm được một tấm thạch thư lớn như vậy, hội đồng nghệ thuật xây dựng quảng trường  Đại đoàn kết quyết định chọn từ huyện Phú Thiện, nơi có khá nhiều đá thiên nhiên một phiến đá khá nặng sau đó xẻ thành lát phù hợp với kích cỡ. Tất cả các công đoạn chuyên chở, xẻ đá và nhất là đục nội dung bức thư được thực hiện rất kỳ công. Riêng chuyện làm thế nào để vận chuyển được tảng đá nặng hơn 100 tấn về đến Pleiku cũng là vấn đề nan giải và việc xẻ tảng đá ra thành miếng cũng đã làm gãy khá nhiều lưỡi cưa. Nhưng nhờ sự quyết tâm của hội đồng nghệ thuật và cả ê kíp làm đá nên cuối cùng tấm đá nặng hơn 102 tấn cũng đã hoàn thiện. Vì đây là lần đầu tiên một bức thư được khắc lên đá có trọng lượng và diện tích lớn như vậy nên tỉnh quyết định mời những người thợ đục đá giỏi nhất của Gia Lai tham gia. Để đảm bảo độ an toàn và nhất là yếu tố nghệ thuật, việc đục đá được tiến hành chặt chẽ ở tất cả các khâu từ thử nghiệm cho đến thao tác thực tế. Đến công đoạn cuối cùng, các nghệ nhân sử dụng kỹ thuật phun cát khắc trực tiếp nội dung bức thư lên đá và ngay phía bên trên bức thư là hình cánh hoa sen – Quốc hoa Việt Nam. Hoa sen – Loài hoa biểu trưng cho khí chất thanh cao của người quân tử, vốn được Bác Hồ ưa thích và trồng rất nhiều ở những nơi Người sống và làm việc. Đây là ý tưởng độc đáo của hội đồng nghệ thuật nhằm tôn vinh giá trị bất biến về khí chất và tâm hồn người chiến sỹ cộng sản vĩ đại của dân tộc: Hồ Chí Minh. Trong quá trình miệt mài hàng tháng trời trên công trường, ngoài thể hiện uy tín, tay nghề của mình thì chính lòng tự hào được đóng góp vào công trình lịch sử không chỉ của Gia Lai mà còn là Tây Nguyên của mỗi người thợ đã khiến bức thạch thư đẹp hơn dự kiến ban đầu. Chính vì thế, sau khi hoàn thành, bức thạch thư lập tức nhận được nhiều lời khen ngợi của giới chuyên môn và được Hội đá quý Việt Nam công nhận bức thư tạc trên đá nặng nhất Việt Nam.

“Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta.”

Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng những lời trong thư Bác Hồ vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, tiếp thêm sức mạnh đại đoàn kết cho các dân tộc Tây Nguyên. Lời dạy ấy được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Gia Lai khắc ghi trong tim, khắc ghi trên đá, biến thành thực tiễn: Đoàn kết và Thành công. Điều đó được minh chứng qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, đồng bào đồng bào các dân tộc Gia Lai vẫn đoàn kết một lòng để Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung mãi ngát xanh, mãi vững bền./.

Thu Thủy- Thanh Sáng


Lượt xem: 123

Trả lời