Chiều nay (06/12), Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (21/12/2004-21/12/2024). Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Ksor Phước – Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai; Hà Sơn Nhin – Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Thị Phước An – Vụ phó Vụ Công tác dân tộc địa phương, Ủy ban Dân tộc; Ayun H’Bút – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Dương Mah Tiệp – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, tỉnh Đắk Lắk.
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Kpă Đô – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai nêu rõ: Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 53, ngày 18/02/2004 về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, ngày 21/12/2004, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 145 về việc thành lập Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai. Trải qua 20 năm thành lập, dù thời gian đầu, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ, công chức chưa thật sự thành thục với nhiệm vụ mới, nhất là do hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở đang trong giai đoạn kiện toàn bộ máy tổ chức, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ủy ban Dân tộc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ tận tình của các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự sẻ chia, ủng hộ của đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh, và bằng tinh thần quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của tập thể cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh đã tập trung trí tuệ, cùng nhau thực hiện trọng trách được giao, đưa các chương trình, chính sách dân tộc đi vào cuộc sống, đồng hành cùng đồng bào DTTS địa phương kiến tạo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc…
Đồng chí Kpă Đô – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai phát biểu: “Đến thời điểm hiện nay, tổng số cán bộ, công chức và người lao động của Ban Dân tộc là 23 người, trong đó lãnh đạo ban 03 người (01 Trưởng ban, 02 phó Trưởng ban), công chức 16 người, 04 hợp đồng lao động; có 03 phòng chuyên môn (Văn phòng và Tuyên truyền địa bàn, Phòng Chính sách – Kế hoạch, Thanh tra). Tập thể cán bộ, công chức Ban Dân tộc tỉnh cũng như hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc toàn tỉnh luôn xác định đúng nhiệm vụ, quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xác định việc phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và gắn với cuộc vận động “học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là rất quan trọng, để nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tập trung củng cố kiện toàn bộ máy làm công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định 53/2004/NĐ-CP ngày 18/2/2004 của Chính phủ và hiện nay là Thông tư số 01/2021/TT-UBDT ngày 01/11/2021 của Uỷ ban Dân tộc về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện.”
Đồng chí Kpă Đô – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai
Song song với việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã tập trung chỉ đạo hệ thống chuyên môn của ngành tích cực nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành liên quan đến công tác dân tộc; nghiên cứu thực tế đời sống, sản xuất, đặc điểm, tình hình, lịch sử của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh để tham mưu, vận dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tế công tác dân tộc ở địa phương, như: Nghị quyết số 88, ngày 18/11/2019 của Quốc hội, Nghị quyết số 12, ngày 15/02/2020 của Chính phủ, Quyết định số 1719, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình hành động số 29, ngày 20/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 1602, ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030. Đây là chương trình, chính sách có nguồn lực đầu tư lớn, mang theo bao kỳ vọng về sự đổi thay cho vùng đồng bào DTTS&MN. Ban Dân tộc tỉnh còn tham mưu tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số các cấp theo quy định của Trung ương…
Là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 cả nước, với 45 dân tộc, trong đó, DTTS chiếm hơn 46%. Trong 20 năm qua, thực hiện các chương trình mục tiêu, chính sách dân tộc được UBND tỉnh giao, Ban Dân tộc đã phối hợp với các Sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, như: Xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, định canh, định cư… cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí 24.185 tỷ đồng…
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Dương Mah Tiệp – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh qua các thời kỳ. 20 năm xây dựng và phát triển, Ban Dân tộc tỉnh luôn đồng hành cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số, tham mưu và thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc; các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp nhấn mạnh: Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là vấn đề chiến lược, lâu dài, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí gợi mở một số vấn đề, nội dung để Ban Dân tộc tỉnh, cán bộ, công chức, người làm công tác dân tộc nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Đồng chí Dương Mah Tiệp – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu: “Một là, Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp và các chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp luật liên quan đến công tác dân tộc. Hai là, tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các Ðề án, Chương trình phát triển mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Chủ động tham mưu, đề xuất các đề án, cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, nhằm khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi, chăm lo tốt hơn nữa đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số. Ba là, tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đặc biệt là các vấn đề sát với đời sống người dân; tình hình thiên tai, dịch bệnh, các điểm “nóng” về an ninh trật tự; tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp giải quyết hiệu quả, kịp thời. Bốn là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc kiểm tra, giám sát, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số. Quan tâm công tác đào tạo, giáo dục con em là người dân tộc và khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thứ năm, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tập trung tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các mặt công tác gắn với nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực.”
Tại Lễ kỷ niệm, đại diện nguyên lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh qua các thời kỳ, đại diện thế hệ trẻ đang công tác trong ngành dân tộc đã phát biểu, bày tỏ tự hào và thể hiện quyết tâm sẽ có nhiều cống hiến hơn nữa, đóng góp vào truyền thống vẻ vang của ngành.
Ghi nhận những thành tích trong thực hiện công tác dân tộc của ngành 20 năm qua, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý cho các tập thể, cá nhân Ban Dân tộc tỉnh.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc đã tặng Bằng khen cho tập thể và 12 cá nhân Ban Dân tộc đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn./.
Song Nguyễn – Mạnh Hà – Thanh Sáng
Lượt xem: 19