Trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững và tín dụng xanh được cho là những trụ cột của tài chính bền vững. Công cụ tài chính này đang có xu hướng phát triển mạnh trên thế giới và cũng là tiềm năng rất lớn cần khai thác cho mục tiêu chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Theo đó, thúc đẩy phát triển của trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững là yêu cầu tất yếu để triển khai và đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, cũng như thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Vậy giải pháp nào để Việt Nam không chậm nhịp trong phát triển thị trường trái phiếu bền vững?
Sự chậm nhịp của dòng chảy nguồn vốn xanh ở thị trường vốn – tài chính Việt Nam, được nhận định là do sự ngập ngừng đưa ra bản vẽ kiến trúc hạ tầng, thước đo kỹ thuật về sản phẩm, cho đến phát triển cơ sở nhà đầu tư, tổ chức phát hành, văn hóa quản trị doanh nghiệp và minh bạch thông tin trên thị trường này.
Bà Tạ Bích Thảo, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết: “Cần đa dạng hóa sản phẩm trái phiếu bền vững, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, văn hóa quản trị doanh nghiệp của từng tổ chức phát hành, minh bạch hóa các thông tin các đợt phát hành… Tôi thấy ở các thị trường khu vực, vai trò Chính phủ luôn đi đầu, không chỉ đưa ra chính sách mà còn là người phát hành lớn nhất về trái phiếu xanh, bền vững để tài trợ dự án công, thể hiện hành động thực hiện cam kết Chính phủ về phát thải ròng bằng không”.
Chuyên gia trái phiếu cũng lưu ý, để có nguồn vốn dài hạn cho trái phiếu bền vững thì phải có nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp dài hạn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các Công ty bảo hiểm không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu nợ. Theo giới phân tích, đây là nguồn vốn có tính dài hạn, ổn định, nếu có thể huy động được nguồn vốn từ doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ cho thị trường trái phiếu xanh thì đó cũng là một cú huých hoặc có thể giải tỏa một điểm nghẽn của thị trường.
Kinh nghiệm phát triển trái phiếu xanh của các nước trong khu vực cũng cho thấy, bên cạnh nhà phát hành là Chính phủ và chính doanh nghiệp, thì cũng cần chú trọng trung gian phát hành là các ngân hàng thương mại, một đối tượng có tiềm năng huy động tài chính xanh, trái phiếu xanh để cho doanh nghiệp vay lại.
“Các ngân hàng thương mại có vai trò rất quan trọng trong việc phát hành trái phiếu xanh và cho vay lại với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi lẽ, các doanh nghiệp lớn có thể tự phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, nhưng doanh nghiệp nhỏ thiếu nhiều nguồn lực để xây dựng kế hoạch huy động vốn xanh, thì có thể thông qua các ngân hàng để vay lại nguồn vốn này” – ông Jeffrey Lee, Giám đốc phụ trách Khu vực châu Á Thái Bình Dương, của Tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế là Moody’s đánh giá.
Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững là sản phẩm trái phiếu được phát hành với mục đích huy động vốn để tài trợ cho các dự án, chương trình mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội. Đây thường là những dự án mang lại hiệu quả kinh tế trong dài hạn, nhưng lợi nhuận trước mắt lại thấp và khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Do đó, ông Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định: “Trong Luật bảo vệ môi trường có nói về trái phiếu xanh, không thể chỉ trông chờ từ nguồn lực doanh nghiệp vì hiệu quả rất thấp… Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh vì doanh nghiệp bình thường không có hỗ trợ từ Chính phủ thì rất khó thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi”.
Phát triển trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm và nêu rõ chủ trương, thể hiện qua nhiều Nghị quyết của Trung ương và một số văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế còn chưa quyết liệt. Tại Nghị định số 08 năm 2022 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, cùng các bộ, ngành xây dựng danh mục phân loại xanh.
Đây là danh mục sắp xếp các loại hình dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường đáp ứng các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường. Nhưng danh mục này bị chậm trễ ban hành đến nay đã sắp được gần 2 năm.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhìn nhận: “Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 đặt mục tiêu rõ ràng là ban hành Danh mục môi trường và tiêu chí xác định dự án xanh trước 31/12/2022, nhưng chúng ta đã bị chậm 2 năm. Chúng ta đã bắt đầu xây dựng cơ chế, chính sách trái phiếu xanh, nhưng thực hiện quy định còn có một số vướng mắc nhất định. Đặc biệt nhất là danh mục xanh chưa được ban hành. Điều này cần khắc phục sớm”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, cần sớm có quy định chung về Danh mục phân loại xanh quốc gia, phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Từ đó, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Các chuyên gia chính sách cũng đánh giá, quy định về phát hành trái phiếu xanh hiện nay chưa cụ thể và chưa có những quy định hỗ trợ, khuyến khích rõ ràng với các bên tham gia thị trường trái phiếu xanh nói riêng và trái phiếu bền vững nói chung. Do đó, việc rà soát lại khuôn khổ pháp lý là yêu cầu bức thiết.
Thực tế, chi phí phát hành trái phiếu xanh có thể cao hơn chi phí phát hành trái phiếu thông thường, vì yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng thêm nhiều tiêu chí, đòi hỏi cải tiến các quy trình hoạt động nội bộ. Đây là yếu tố khiến doanh nghiệp ngập ngừng trong chuyển đổi xanh. Do đó, Chính phủ có thể cân nhắc thêm những giải pháp hỗ trợ về thuế, phí để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sớm hòa nhập vào xu thế này.
Lượt xem: 2