Số doanh nghiệp tham gia thị trường nhiều, tuy nhiên số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân cứ 100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 58 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đó là thông tin tại phiên họp thường kỳ về kinh tế – xã hội tháng 8 của UBND TP.HCM ngày 4/9.
8 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM đạt hơn 765.200 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 2 mặt hàng có tỷ trọng cao nhất là lương thực, thực phẩm và đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình với mức tăng lần lượt là 10,7% và 9,7%.
Trong tháng 9 này, TP.HCM tiếp tục chương trình khuyến mãi tập trung với nhiều gói ưu đãi, khuyến mãi lớn để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng.
Về số doanh nghiệp thành lập mới, trong 8 tháng qua tăng 6,5% so với cùng kỳ nhưng vốn đăng ký giảm 10,2%. Số doanh nghiệp tham gia vào thị trường tăng 8,8% nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng ở mức 7,4%.
Tại cuộc họp, ông Phan Văn Mãi-Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, tình hình kinh tế, xã hội tiếp tục tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như: sức mua của thị trường tăng dưới mức tiềm năng, đầu tư công giải ngân chậm, mức hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế thấp, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều…
Lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức phải rà soát lại các nhiệm vụ đã giao chưa hoàn thành để đẩy mạnh, tập trung triển khai, tháo gỡ nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay 7,5%.
Ông Mãi yêu cầu các sở, ngành chức năng: “Doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì Thành phố phải có biện pháp hỗ trợ như thế nào? Tình trạng hấp thụ vốn thấp của nền kinh tế thì tháo gỡ từ công đến tư như thế nào? Về sức mua của thị trường chưa như tiềm năng, ngoài việc Thành phố tổ chức các sự kiện tạo cơ hội mua sắm thì phải thúc đẩy mua sắm công. Trong tháng 9, các đơn vị phải đôn đốc cho xong việc mua sắm công trong năm nay, từng đơn vị phải quản từng nội dung như vậy”.
Lượt xem: 2