Các tỉnh Tây Nguyên đang trong cao điểm mùa thu hái cà phê. Cùng với nguồn nhân lực tự có của các chủ vườn, hàng vạn lao động từ các tỉnh Nam Trung bộ đã lên Tây Nguyên tìm việc hái cà phê. Giá cao kỷ lục trong mùa thu hoạch giúp cả chủ vườn và người làm công dễ thỏa thuận công hái.
Không khó để nhận ra những người đi hái cà phê thuê trong mỗi mùa thu hoạch ở Tây Nguyên. Đó là ai cũng mang theo lượng lớn hành lý. Ngoài quần áo, tư trang, có người mang theo cả tăng-võng, bao bạt, cho những ngày “bán trú” trên các vườn, rẫy. Dễ dàng tìm nhau qua mạng xã hội, nghề hái cà phê thuê bây giờ thường có các nhóm từ vài người đến hơn 20 người, nhận việc trên diện tích lớn.
Chủ vườn sẽ bố trí xe, hầu hết là xe công nông, chở các đội thợ hái cà phê vào rẫy.
Những thợ hái cà phê sẽ ăn, nghỉ ngay tại vườn, có khi ngay trên bạt cà phê vừa hái xuống.
Công hái cà phê thường được tính theo sản phẩm nhưng tiền công sẽ phụ thuộc vào vườn dốc hay phẳng, nhiều trái hay ít trái, hái đồng loạt hay hái lựa quả chín. Tiền công hái phổ biến trong vụ cà phê 2024 ở Tây Nguyên dao động từ 100.000đ đến 200.000đ/1 tạ cà phê quả tươi.
Dù hái khoán, các chủ vườn vẫn yêu cầu thợ hái về tinh trách nhiệm, hạn chế làm gãy cành, rụng lá xanh của cà phê. Sản phẩm cần được vơ sạch tạp chất, tránh nguy cơ cháy khi đem cà phê vào lò sấy. So với vụ trước, công hái vụ 2024 tăng đáng kể. Tuy nhiên, giá cà phê quả tươi vụ này cũng rất cao, trên 23.000đ/1kg, gấp 1,7 lần vụ trước, nên cả chủ vườn và thợ hái đều rất phấn khởi.
Một ngày thu hái khép lại, cà phê có thể được bán ngay tại vườn
Hoặc lên những chiếc xe công nông “đặc hữu”, về với các buôn làng. Mùa cà phê của Tây Nguyên được tính từ tháng 10 năm này đến hết tháng 9 của năm kế tiếp. Nhưng với các nông hộ, mùa cà phê sẽ kết thúc ngay khi bà con bán hết sản phẩm đã thu hoạch.
Cà phê tiếp tục hành trình sau thu hoạch trên các sân phơi, hoặc đến những lò sấy chuyên dụng. Những hạt cà phê cao cấp sau thu hái có thể được chế biến ướt và phơi trên giàn, hoặc qua nhiều quá trình lên men, ủ sấy tỉ mỉ khác, hướng tới thị trường cà phê đặc sản. Nhưng đại đa số cà phê của Tây Nguyên vẫn được phơi sân, bảo quản dưới dạng quả khô tại các gia đình.
Lượt xem: 4