Việc thiếu các kênh đầu tư hiệu quả khiến nhu cầu tích trữ vàng của người dân càng lớn. Điều này dẫn đến nguy cơ một lượng tiền lớn sẽ nằm im trong dân, thay vì đi vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị cho kinh tế – xã hội.
Nhu cầu tích trữ vàng miếng của người Việt rất cao
Tâm lý “tích cốc phòng cơ…” đã ăn sâu vào tâm lý người Việt, không chỉ thời gian gần đây mà từ xa xưa, nhu cầu tích trữ vàng của người dân luôn rất cao. Nhu cầu này càng được thể hiện rõ trong thời gian gần đây khi các kênh đầu tư khác cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, trong khi giá vàng liên tục có xu hướng tăng cao, lập đỉnh mới.
Nhu cầu lớn, trong khi nguồn cung hạn chế đã có lúc đẩy giá vàng miếng SJC lên trên 92 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng thế giới khoảng 20 triệu đồng/lượng. Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, từ việc đấu thầu vàng miếng đến bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua các ngân hàng thương mại, cũng chưa giúp trung hòa được nhu cầu này.
Từ sáng sớm, hàng người nối đuôi nhau dài dằng dặc chờ đợi trước các ngân hàng thương mại để mua vàng là hình ảnh lần đầu chúng ta được chứng kiến không chỉ ở Việt Nam mà có lẽ cả ở trên thế giới. Đến thời điểm này, sau gần 20 ngày các ngân hàng và Công ty SJC triển khai bán vàng bình ổn, tình trạng này vẫn chưa “nguội”. Lượng đặt vàng trực tuyến trên website của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn rất cao, khiến nhiều người bức xúc vì nhiều ngày vẫn chưa thể mua được vàng.
Trên thực tế, việc tích trữ vàng ở khía cạnh nào đó cũng có ý nghĩa tích cực. Nó giúp người dân không chỉ có một khoản dự trữ để phòng ngừa những rủi ro trong cuộc sống, mà còn giúp tài sản sinh lời khi giá vàng tăng. Do đó, vàng cũng được coi là một kênh đầu tư mà nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, các chuyên gia cho rằng, việc người dân đổ xô tích trữ vàng cũng là tín hiệu đáng lo. Điều này không chỉ chôn chặt nguồn vốn phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến giá trị đồng nội tệ, giảm hiệu lực của chính sách tiền tệ.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, so với các quốc gia khác ở châu Á, thu nhập bình quân của Việt Nam thuộc nhóm thấp, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ vàng trên đầu người lại ở ngưỡng trung bình.
Số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) năm 2022 cho thấy, tiêu dùng vàng bình quân đầu người của Việt Nam là 1,2g. Như vậy, mặc dù đã giảm so với những năm trước nhưng mức độ “ưa thích giữ vàng” ở Việt Nam vẫn còn khá cao khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực. Trong khi đó, xu hướng chung ở các nước là nhu cầu về vàng miếng và tiền vàng đều giảm dần qua các năm so với quy mô nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi so sánh với 2 quốc gia có nhu cầu về vàng đứng đầu của thế giới, tỷ lệ tiêu thụ vàng miếng và tiền vàng so với GDP ở Việt Nam lại cao hơn hẳn, gấp 2 lần Ấn Độ và gấp 10 lần Trung Quốc. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ vàng bình quân của Việt Nam xấp xỉ Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng khi xét riêng về vàng miếng thì tiêu thụ của Việt Nam lại nhỉnh hơn hẳn.
Lo ngại khi tiền “chôn chặt” trong vàng
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều biến động, vàng có thể là kênh trú ẩn an toàn. Nhưng nếu chọn vàng là kênh đầu tư thì các số liệu cho thấy nó không phải là kênh đầu tư tốt, mang lại lợi nhuận trong thời gian vừa qua so với một số kênh đầu tư khác.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, giá vàng thế giới đã đạt đỉnh cao trong thời gian khá dài do tâm lý lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) không giảm lãi suất, ít nhất từ nay đến tháng 9. Tuy nhiên, gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy lạm phát của Mỹ giảm nhanh hơn nhờ tác động giảm giá nhiên liệu, cùng với những dấu hiệu phục hồi nền kinh tế bắt đầu rõ rệt. Lo ngại về việc Mỹ duy trì lãi suất cao đến hết năm không còn nữa và kỳ vọng trong quý IV của năm nay sẽ giảm lãi suất và khi đó đồng USD giảm giá.
Do đó, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, xu hướng giảm giá vàng trong trung hạn rất rõ. “Đây là điều các nhà đầu tư và đặc biệt đầu cơ vào khu vực vàng hết sức lưu ý. Hiện tại lạm phát Việt Nam ở mức khá thấp, đồng tiền khá ổn định và cơ hội đầu tư vào một số thị trường tài sản cũng đang phục hồi khá mạnh. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán, bất động sản, nhất là khi các luật nhà ở; bất động sản; kinh doanh bất động sản, đất đai chuẩn bị có hiệu lực (có thể tháng 8-2024)” – TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Hơn nữa, đây cũng là kênh đầu tư không được Nhà nước khuyến khích, có thể tiềm ẩn gây cản trở phát triển nền kinh tế. “Nếu người dân không đầu tư vào các kênh khác để sản xuất kinh doanh mà tiếp tục đẩy mạnh mua vàng thì nguồn lực này sẽ nằm im trong dân, không có lợi cho nền kinh tế” – GS Trần Thọ Đạt nói.
Bởi vậy, để người dân giảm đầu tư vào vàng, biến vàng thành nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, giải pháp căn cơ là Nhà nước cần khuyến khích phát triển các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu… bên cạnh việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô như thời gian qua.
Kiên quyết chống “vàng hóa” nền kinh tế
Thời gian qua, Chính phủ cũng liên tục có những chỉ đạo mạnh mẽ không để “vàng hóa” nền kinh tế, không để thị trường vàng tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tiền tệ quốc gia. Điều này càng củng cố nhận định cho rằng giá vàng trong nước thời gian tới sẽ khó tăng, người dân giữ vàng sẽ khó có lợi, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh khác đang dần phục hồi.
Mới đây, trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, nhiều chuyên gia cũng đồng loạt đề xuất thêm việc đánh thuế với giao dịch vàng để giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt mục đích đầu cơ, thao túng giá. GS.TS Nguyễn Thị Mùi – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng. Giải pháp trên cũng có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.Với các đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu và nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng và báo cáo cấp có thẩm quyền.
Lượt xem: 4