Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam – những tác động lan tỏa tới nền kinh tế

Cập nhật 01/10/2024, 08:10:51

Bộ Chính trị vừa thống nhất chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Xác định đây là công trình rất quan trọng và cần thiết cần ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm. Bởi khi hoàn thành, dự án sẽ tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc – Nam.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Trung ương giao Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng khi đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc – Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và dự án đã được nghiên cứu kỹ lưỡng.

“Việc đầu tư dự án trở nên cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc đầu tư dự án đã được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng. Dự án được triển khai thực hiện chính là hiện thực hóa chỉ đạo của Đảng, hiện thực hóa quy hoạch tổng thể quốc gia.”- ông Nguyễn Danh Huy cho biết thêm.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư với quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ 350km/h. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh). Trên toàn tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Theo tính toán sơ bộ thì tổng kinh phí đầu tư dự án là khoảng hơn 67 tỷ USD.

Điểm đặc biệt quan trọng là dự án được đầu tư xây dựng, sẽ tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tại buổi làm việc về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Lấy phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt Việt Nam nói chung tạo cú hích cho các ngành cơ khí, chế tạo, tự động hóa… và các ngành công nghiệp khác phục vụ quốc kế, dân sinh”.

Ông Ngô Cao Vân, chuyên gia giao thông, nhận định: cơ hội phát triển kết nối các vùng miền và các phương thức vận tải mới chính là cơ hội rất lớn để thúc đẩy kinh tế phát triển gắn với quá trình đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam.

“Tôi cho rằng với sự đào tạo tốt, chính sách tốt thì đường sắt Việt Nam cũng sẽ tiến tới chuyển giao dần công nghệ và làm chủ công nghệ. Trước hết là đào tạo nguồn nhân lực, làm chủ về con người cho đường sắt trước.”- ông Ngô Cao Vân nói.

Mặt khác, dự án tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ. Từ đó phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta cũng phải nghiên cứu dần, chuyển giao dần tiếp quản dần với công nghệ. Điều quan trọng nữa là chúng ta cần chủ động đề xuất các chính sách ưu đãi để chúng ta có thể phát triển cơ khí công nghiệp, phát triển một nền cơ khí công nghiệp trong tương lai của đường sắt.”

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đang khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2024.

Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: “Để có một tuyến đường sắt đáp ứng các yêu cầu theo định hướng của Trung ương, Quốc hội sẽ bàn và sẽ có những ý kiến trao đổi, thảo luận, tranh luận để chúng ta đưa ra phương án tốt nhất để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương đã đặt ra”.

Theo tính toán, Dự đường sắt tốc độ cao khi hoàn thành có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm và sẽ tăng cường kết nối vùng miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới.


Lượt xem: 2

Trả lời