Chạy theo sản lượng – vựa lúa miền Tây đối mặt suy thoái đất

Cập nhật 28/11/2024, 14:11:35

Vùng ĐBSCL, vựa lúa của cả nước, hàng năm sản xuất từ 24 – 25 triệu tấn lúa, đóng góp tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu. Thâm canh tăng vụ, chạy theo sản lượng đã khiến cho nhiều vùng đất bị mất cân bằng dinh dưỡng, suy thoái. Thực trạng này đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.

Bài toán đặt ra đối với vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước hiện nay là tìm giải pháp canh tác bền vững, sử dụng phân bón hợp lý, thay đổi tư duy sản xuất của người dân, chung tay giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện Net Zero theo cam kết. Trong loạt bài loạt bài “Phân bón và bài toán sản xuất nông nghiệp trách nhiệm” nhóm phóng viên VOV-ĐBSCL nêu rõ thực trạng, nguyên nhân sử dụng phân bón ở miền Tây, điều gì đã khiến vùng đất trù phú, từng được thiên nhiên ưu đãi phải đối mặt với nguy cơ bị suy thoái, thiếu dưỡng chất và mất cân bằng dinh dưỡng. Cùng với đó là những giải pháp của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc bổ sung chất dinh dưỡng cho đất.

“Mình canh tác liền 3 vụ là lượng phân sẽ cao hơn, mỗi vụ mỗi nâng lên. Tại vì mần riết chất màu mỡ của đất không còn cho cây lúa để ăn, mình phải bổ sung phân nhiều hơn. Hồi đó mình mần 1.300 m3 mình sạ chừng 1 bao, theo tập quán như người nông dân bây giờ phải nâng lên tầm sáu chục đến sáu mấy kg/1 công mới đủ cho lúa ăn, nặng phân hơn rất nhiều”, Chia sẻ của anh Lê Văn Giàu, người dân trồng lúa ở huyện Tháp Mười, Đồng Tháp.

Theo anh Lê Văn Giàu, nếu như trước đây anh sử dụng từ 40 – 50kg phấn bón/công/vụ thì nay đã tăng lên 60 – 70kg/công/vụ, sử dụng phân không đúng cách, thâm canh tăng vụ đã khiến cho nhiều vùng đất trồng lúa bị suy thoái, gia tăng dịch bệnh.

Tại những vùng trồng lúa 3 vụ áp lực thâm canh dẫn đến sử dụng phân bón không cân đối, làm cho chất lượng đất giảm, để duy trì năng suất người dân buộc phải tăng lượng phân bón trên đồng ruộng, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, ông Trần Thanh Tâm, Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp cho biết, việc đốt rơm rạ ngay sau khi thu hoạch không chỉ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường mà còn làm mất chất dinh dưỡng của đất, lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng. Cùng với đó việc cày vùi rơm rạ chưa qua xử lý, đất luôn ngập nước sẽ làm ảnh hưởng đến chất hữu cơ trong đất.

“Việc chúng ta đốt rơm rạ trên đồng ruộng có tác hại. Thứ nhất khi đốt rơm rạ thì gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí CO2. Thứ hai khi đốt như vậy toàn bộ dinh dưỡng bị mất đi chúng ta không sử dụng lại được. Thứ ba khi đốt như vậy chúng ta giết đi các vi sinh vật có ích trên đồng ruộng, làm bề mặt đất bị thoái hóa”, ông Trần Thanh Tâm nêu rõ.

Kiên Giang với diện tích canh tác lúa hàng năm trên 700.000 ha và là địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa, đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu gạo. Ông Lê Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết, sản lượng lúa hàng năm của tỉnh đạt trên 4,5 triệu tấn. Tuy nhiên, địa phương cũng gặp trở ngại khi một số vùng trọng điểm về lúa gạo bị tác động của mặn xâm nhập, phèn, ảnh hưởng đến canh tác lúa của người dân.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, xu hướng mặn xâm nhập diễn ra ngày càng gay gắt buộc người dân phải thích nghi và có những giải pháp canh tác phù hợp. Giải pháp canh tác lúa bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng phận bón hợp lý để cải thiện độ phì nhiêu đất, hạ phèn, trả lại dinh dưỡng cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ đang được ngành chức năng khuyến cáo người dân áp dụng để giúp cây trồng phát triển trong bối cảnh thời tiết bất lợi.

“Liên quan đến vấn đề sử dụng phân bón cải thiện hiệu quả của đất, kết hợp phân hữu cơ để cải thiện hiệu quả của đất trồng lúa. Tiếp theo đó là cải thiện đất nhiễm mặn trong vùng canh tác tôm lúa. Cải thiện chất lượng đất ở vùng canh tác lúa chuyên lúa, áp dụng các mô hình canh tác lúa bền vững SRP và mô hình canh tác lúa thông minh”, ông Lê Văn Dũng thông tin.

Nhu cầu sử dụng phân bón hàng năm của Việt Nam khoảng 11 triệu tấn/năm và năng lực sản xuất của các nhà sản xuất phân bón trong nước đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về phân bón. Tuy nhiên, một số sản phẩm phân bón phức hợp, kali thì Việt Nam vẫn phải phụ thuộc chính vào nhập khẩu. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, để chủ động nguồn phân bón trong nước, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm phân bón đặc thù cho từng loại cây trồng, đặc biệt là vùng sản xuất trọng điểm như ĐBSCL.

“Chúng tôi đã sản xuất ra thị trường hơn 4 triệu tấn phân bón một năm, đưa ra những sản phẩm mới, ứng dụng hàm lượng khoa học công nghệ cao, vừa cung cấp NPK, vừa cung cấp các chung vi lượng, các vi sinh vật hữu ích cho đất khỏe lên, tăng độ phì nhiêu. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng với ngành phân bón chúng ta đáp ứng được nòng cốt và bảo đảm được an ninh lương thực quốc gia”, ông Nguyễn Hữu Tú khẳng định.

Nghiên cứu thực trạng đất lúa ở ĐBSCL cho thấy hàm lượng chất dinh dưỡng vẫn bảo đảm nhưng mất cân bằng giữa các thành phần đạm, lân, kali diễn ra trầm trọng. Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ, để khắc phục tình trạng mất cân bằng đạm, lân, kali người dân cần phải cải tiến kỹ thuật canh tác, áp dụng các giải pháp sử dụng phân bón hợp lý. Đồng thời, không đốt rơm rạ mà phải xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh để trả lại dinh dưỡng cho đất, điều này quan trọng đối với canh tác lúa ở ĐBSCL.

GS – TS Nguyễn Bảo Vệ cũng cho rằng, canh tác lúa ở ĐBSCL được chia làm 3 vùng sinh thái riêng biệt gồm vùng ven biển, vùng giữa và vùng thượng. Tùy từng vùng sinh thái mà ngành nông nghiệp các địa phương căn cứ vào tính chất của từng loại đất phèn, đất mặn và đất phù sa để hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách.

“Qua chương trình canh tác lúa thông minh tôi thấy hình thành ba vùng, trong đó cả kỹ thuật canh tác, cả kỹ thuật phân bón cũng phải theo các vùng này. Trong nông nghiệp không có quy trình nào dùng chung cho cả vùng rộng lớn được, bởi vì nó thay đổi theo chất đất, vùng nước, thành ra ở vùng ĐBSCL có 3 vùng, cán bộ kỹ thuật ở tỉnh thuộc những vùng nào chúng ta nghiên cứu đặc điểm vùng của mình, rồi sau đó mình có quy trình canh tác cho phù hợp tại vùng của mình”, GS – TS Nguyễn Bảo Vệ nêu rõ.

Theo PGS.TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Bộ NN&PTNT, qua nghiên cứu, đánh giá đất phèn, đất mặn, đất phù sa cho thấy có sự suy giảm các nguyên tố dinh dưỡng như NPK và các chất hữu cơ trong đất sau nhiều năm canh tác. Ngoài ra, qua phân tích ở các vùng đất đã cho thấy hàm lượng kali thiếu hụt rất lớn do canh tác và bổ sung hàm lượng kali chưa phù hợp.

“Chúng ta sẽ tập trung để quản lý rơm rạ một cách tốt nhất, để bù lại cái phụ phẩm, lấy lại hàm lượng kali ở mức tốt nhất. Chúng ta chỉ canh tác lúa không mà không bù lại phế phụ phẩm thì lượng kali ra khỏi đồng ruộng là rất lớn. Nếu chúng ta chỉ lấy hạt thóc đi thôi thì chỉ cần khoảng 20 – 27 kg kali cho 1 ha canh tác lúa là đủ rồi, mà kali thì lại rất đắt và hoàn toàn nhập khẩu”, PGS.TS Trần Minh Tiến nhấn mạnh.

Canh tác lúa liên tục, sử dụng phân bón mất cân đối, nhận diện các vùng sinh thái để bón phân phù hợp chưa được quan tâm là những nguyên nhân dẫn tới thực trạng đất bị suy thoái, nông dân càng tăng cường sử dụng phân bón để bù đắp vào sản lượng lúa, đây được xem là những nguyên nhân khiến cho nhiều vùng đất trồng lúa ở ĐBSCL bị ngộ độc hữu cơ, cằn cỗi, bạc màu. Nếu thực trạng này không được xử lý sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí về tài nguyên, tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.

Trong bài tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về những giải pháp, khuyến cáo sử dụng phân bón hợp lý trên cây trồng để nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón, tiết kiệm chi phí, giảm tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; hướng tới nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết về Net Zero trong sản xuất nông nghiệp.

 VOV.

Lượt xem: 4

Trả lời