Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng

Cập nhật 06/11/2024, 20:11:40

Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

Hôm nay (6/11), Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị.

Tham dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lương Cường; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch nước; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội.

Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành một ngày để lắng nghe ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào dự thảo các văn kiện.

Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư khẳng định các công việc chuẩn bị cho Đại hội đã được triển khai từ rất sớm, trong đó, đặc biệt là hai công việc hệ trọng là công tác chuẩn bị văn kiện và công tác nhân sự. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt nền móng cho các công việc này và các thế hệ lãnh đạo hiện nay đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện một cách tốt đẹp nhất.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, với yêu cầu dự thảo văn kiện khi trình ra Đại hội phải là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Trong đó, sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là những người có trí tuệ uyên thâm, sâu sắc về lý luận, am tường về thực tiễn và đã có nhiều năm tham gia lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của Đảng và Nhà nước.

Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Tư tưởng xuyên suốt của văn kiện này là làm thế nào để đất nước phát triển, vươn mình trong một kỷ nguyên mới. Đây cũng là cái trăn trở của chúng tôi và cũng là đòi hỏi của tình hình thực tiễn hiện nay. Với cơ đồ tiềm lực và vị thế đất nước tạo dựng được qua giai đoạn lịch sử gần 40 năm Đổi mới có đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo đi trước trong đó có các bác, các anh, các chị tham dự hội nghị ngày hôm nay. Thế hệ chúng tôi nhận thức rất rõ trách nhiệm tiếp tục phát huy những thành tựu có ý nghĩa lịch sử này để đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới”.

Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng - Ảnh 3.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Tại hội nghị, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trí tuệ vào dự thảo các báo cáo trình đại hội. Trong đó, tập trung vào những nhóm vấn đề như hoàn thiện thể chế, đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy; phát triển kinh tế; phát triển văn hoá, môi trường và con người; về công tác xây dựng Đảng; phòng chống tham nhũng tiêu cực lãng phí…

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm trân trọng những ý kiến góp ý đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời làm rõ thêm một số vấn đề quan trọng, trong đó có nội dung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất cấp thiết hiện nay. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang chỉ đạo rất cấp thiết, tháo gỡ ngay từ bây giờ chứ không chờ đến Đại hội XIV. Ngay từ bây giờ, những việc gì làm được trong năm nay và năm 2025 là phải tiến hành ngay”.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị Thường trực các Tiểu ban chuẩn bị văn kiện tiếp tục trao đổi, xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là những vấn đề khó, vấn đề mới, vấn đề có nhiều phương án để hoàn thiện các dự thảo với chất lượng cao nhất, là bước đầu quan trọng để thống nhất tư duy, nhận thức mới, phục vụ tốt nhất cho thảo luận rộng rãi trong toàn Đảng, tạo khối thống nhất về ý chí và hành động thực hiện Nghị quyết sau Đại hội XIV của Đảng.

Theo VTV


Lượt xem:

Trả lời