Phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi khép kín

Cập nhật 04/2/2022, 13:02:31

Khép kín từ đầu vào và đầu ra của nhiều loại vật nuôi, những năm qua, mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Trần Ngọc Thưởng ở tổ 4, phường Chỉ Lăng, thành phố Pleiku đã tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư. Điều quan trọng hơn cả là xử lý tốt nguồn chất thải từ chăn nuôi để phát triển kinh tế đạt hiệu quả bền vững.

 

 Với diện tích trên 6 sào, ngoài trồng các loại cây ăn trái gia đình anh Thưởng đã xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín để nuôi bò, heo, thỏ, gà… Mỗi loại được anh phân khu hợp lý để dễ dàng vệ sinh, giữ cho chuồng trại sạch, khô ráo, thoáng mát giúp vật nuôi phát triển. Ngoài trồng cỏ để làm nguồn thức ăn cho bò, anh Thưởng còn nuôi trùn quế để tận dụng nguồn phân bò tránh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài làm phân bón, trùn quế còn trở thành nguồn thức ăn sạch, đảm bảo dinh dưỡng cho vật nuôi.

Anh Trần Ngọc Thưởng – Tổ 4 – P. Chi Lăng – Tp.Pleiku chia sẻ: “Khi mình làm như đây là hệ thống khép kín luôn, đất thì mình làm cỏ ở dưới, trồng cây ăn trái ở trên. Mình thu hoạch được cỏ thì chuyển vào chăn nuôi, khi đã chăn nuôi rồi thì chất thải của những con vật chăn nuôi ấy lại chuyển đổi sang hệ thống làm phân để nuôi con trùn quế. Nuôi con trùn quế đến thời điểm khai thác thì lại lại tận dụng làm thức ăn cho gà, vịt, lươn hoặc nấu chín cho heo ăn”.

  Với mô hình chăn nuôi khép kín khá quy mô nên lượng công việc nhiều, trong khi đó lại không thuê người làm nên hai vợ chồng anh Thưởng phải thay nhau làm, công việc luôn tay, luôn chân cả ngày… Anh chị chia sẻ, công việc vất vả vậy, nhưng rất vui vì mô hình trang trại của gia đình ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến. Sản phẩm làm ra đều được người tiêu dùng đón nhận.

 Chị Lê Thị Phương Loan – Vợ Anh Thưởng cũng nói: “Mỗi ngày hai vợ chồng chia nhau để cùng làm việc. Hai vợ chồng làm tháng tầm 20 triệu để nuôi con ăn học rồi trả lãi ngân hàng, nói chung vừa đủ lo cho cuộc sống”.

      Đây là chuỗi khép kín tận dụng từ thức ăn đến phân bón để tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm được gia đình anh Thưởng áp dụng và đã bước đầu thành công. Qua đó, hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng thức ăn và phân, thuốc hóa học, góp phần đảm bảo cho sản phẩm cây trồng, vật nuôi theo hướng sạch và an toàn với người sử dụng. Thời gian tới gia đình anh Thưởng dự định sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng vật nuôi để đưa mô hình chăn nuôi khép kín của gia đình ngày càng phát triển.

 Ông Rơ Chăm Djuk – PCT Hội Nông dân P. Chi Lăng – Tp.Pleiku đánh giá: “Hộ ông Ngọc Thưởng thiết kế vuờn ao chuồng đạt chuẩn VAC theo quy chuẩn khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Với sự thành công bước đầu từ mô hình chăn nuôi khép kín của gia đình anh Thưởng, bên cạnh hỗ trợ về kỹ thuật, ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng khuyến khích các hộ nông dân trên địa bàn phường mở rộng những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với mục đích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương./.

Lê Thư -Thiên Thanh – Phi Long


Lượt xem: 24

Trả lời