Linh thiêng Tây sơn Thượng đạo

Cập nhật 02/2/2022, 17:02:46

Di tích lịch sử Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo vừa được Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt– Đây là niềm vinh dự, tự hào rất lớn đối với các thế hệ người dân Gia Lai. Nhân sự kiện trọng đại này, chúng ta sẽ cùng trở về với miền đất Tây Sơn Thượng Đạo để nhớ về ba anh em Nhà Tây Sơn buổi đầu dựng đại nghiệp và những võ công hiển hách rạng ngời bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông.

Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng Đạo – là cách đặt tên theo địa danh cổ vùng đất Tây Sơn Thượng Đạo. Có 8 cụm, 23 điểm di tích, thuộc thị xã An Khê và 03 huyện: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro ngày nay. Bao gồm:

Lũy An Khê, An Khê trường, An Khê đình, Gò chợ; Miếu Xà, Cây Ké phất cờ, Cây Cầy nổi trống; Đình Cửu An, Dinh Bà; Gò Đồn, Gò Trại, Vườn Lính, Mễ Kho; Núi Hoàng Đế; Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào, Gò Kho (thuộc thị xã An Khê).

Nền Nhà, Hồ Nước, Kho tiền Ông Nhạc (huyện Kông Chro)

Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu (huyện Kbang)

Hòn đá Ông Nhạc (huyện Đak Pơ)

Hành trình về miền di tích quốc gia đặc biệt để cảm nhận những điều đặc biệt:

Tích xưa lưu dấu – Sử sách lưu danh

Mỗi điểm di tích trong trong Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo đều có những câu chuyện, dấu ấn lịch sử-văn hóa riêng. Và đây là An Khê Đình, ngôi đình đầu tiên của người Việt trên vùng đất Tây Sơn Thượng Đạo, được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII và cũng chính nơi này 3 anh em nhà Tây Sơn chọn làm nơi hội họp, tế lễ và quyết định những việc đại sự. Địa điểm này cũng sẽ mở đầu cho series phóng sự 3 kỳ về Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo.

An Khê đình, hay còn được gọi là Đình ngoài được xây dựng trên một gò đất cao gần suối Cái, mặt hướng về phía Nam. Ngôi đình có kiến trúc: 2 gian, 4 mái, 4 chái. Nóc mái đình đắp đôi rồng chầu mặt trời, là nơi 3 anh em nhà Tây Sơn đóng Sở chỉ huy trong buổi đầu tập hợp lực lượng khởi nghĩa (1771-1773). Những hiện vật hiện hữu bên trong ngôi đình đã tái hiện sinh động về một Tây Sơn Thượng Đạo oai hùng, vang danh. Đình còn là nơi thờ các vị tiên hiền, hậu hiền và các vị thần làng…

Nằm cách An Khê đình không xa là An Khê trường, hay còn gọi là Đình trong, Đình An lũy được xây dựng vào thế kỷ XIX trên khu đất rộng, bằng phẳng – Đây là nơi liên lạc, hội binh của nghĩa quân Tây Sơn trong buổi đầu khởi nghĩa. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình còn bảo lưu lối kiến trúc truyền thống. Phía trước đình có cổng tam quan, trụ biểu, bình phong. Trước đây, đình thờ cúng đa thần. Tuy nhiên, hiện nay các nhà nghiên cứu khẳng định, nơi này thờ Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Sở dĩ, nhân dân phải thờ trá hình anh em Tây Sơn vì triều Nguyễn chủ trương xóa bỏ công lao và muốn làm lu mờ tình cảm của dân chúng đối với anh em Tây Sơn tam kiệt…

An Khê trường còn là trung tâm tổ chức các hoạt động lễ hội lớn gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, như: Kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (mùng 4 tết Nguyên đán). Tại lễ hội diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Hội Hát cầu huê, cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an; phiên chợ xưa, biểu diễn võ cổ truyền, lân sư rồng, hòa điệu cùng cồng chiêng; đấu võ đài, hát bội… tổ chức phiên chợ Kinh – Thượng… Vào ngày mùng 9/2 âm lịch nhân dân trong vùng còn tổ chức lễ hội tế thần, lễ rước sắc thần từ An Khê trường vào An Khê đình theo nghi thức cổ truyền rất trang trọng; Lễ tưởng niệm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ (28/7 âm lịch)… Những hoạt động này như là cách để tưởng niệm và ngưỡng vọng tiền nhân, tiên tổ…

Ông Trần Ngọc Hỷ, Phó ban nghi lễ An Khê đình, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Nhà nước đã công nhận di tích quốc gia đặc biệt, nhân dân chúng tôi, Ban nghi lễ chúng tôi hết lòng phục vụ để lấy lại cái hồn đã có trước đây cho tới mai sau và cũng truyền lại cho con cháu cố gắng giữ gìn di tích này, không để nó mai một đi”.

An Khê trường hiện còn lưu giữ 3 đạo sắc phong thần thời vua Duy Tân và Tự Đức, lưu giữ 8 cặp liễn thờ chữ hán cẩn xà cừ do các bổn thôn, chánh tổng, tuần tổng… tiến cúng. Việc An Khê trường và An Khê đình vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật đến ngày hôm nay thể hiện sự trường tồn của nhà Tây Sơn trong lòng nhân dân trên vùng đất Tây Sơn Thượng Đạo…

Nếu nói An Khê đình, An Khê trường là trung tâm của Quần thể Di tích Tây Sơn Thượng Đạo, thì thị xã An Khê ngày nay là trung tâm hội tụ các điểm di tích gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn…

Ông Dương Thanh Hà, Trưởng phòng VHTT thị xã An Khê, Gia Lai cũng cho biết: “Để được công nhận di sản quốc gia đặc biệt thì địa phương ở An Khê cũng giống như tỉnh Gia Lai có nhiều bước để chuẩn bị, như là các cuộc hội thảo, mời các nhà sử học hàng đầu của Việt Nam về đây hội thảo, đặc biệt là cuộc Hội thảo năm 2018 về Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn trên địa bàn Tây Sơn Thượng Đạo thu hút khoảng trên 40 nhà khoa học lịch sử về tham dự”.

Hiếm có một triều đại nào trong lịch sử dân tộc Việt Nam lại lập được nhiều chiến tích chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi khởi binh như nhà Tây Sơn. Từ Nam ra Bắc, Tây Sơn đánh đổ cả chính quyền cai trị sở tại lẫn ngoại viện hùng mạnh từ nước ngoài do tàn dư của các thế lực cũ rước vào. Điều đáng nói hơn là trong số những chiến công đó có nhiều chiến thắng vang dội, nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Hiển hách nhất là đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía Nam và Mãn Thanh từ phía Bắc, góp phần bảo vệ nền độc lập của nước nhà.

Trên hành trình tiến quân của Tây Sơn, đi tới đâu lưu dấu điển tích, giai thoại tới đó. Cụm di tích miếu Xà, Cây Ké phất cờ, Cây Cầy nổi trống tọa lạc tại xã Song An, thị xã An Khê là tích xưa đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của nghĩa quân Tây Sơn, là điểm mốc để xác định con đường tiến quân của nghĩa quân từ Thượng Đạo xuống Hạ Đạo.

Nhân dân trong vùng còn lưu giữ truyền thuyết: Khi Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cử binh từ vùng Thượng Đạo xuống Hạ Đạo tới đèo Mang (đèo An Khê) thì gặp con rắn đen bò ra chặn đường. Một số tướng lĩnh cho là điềm gở nên quay lại. Nhưng Nguyễn Nhạc, cho đóng quân lại, xuống ngựa, rút kiếm ra chém rắn lấy máu làm lễ tế cờ ở gốc cây Ké, rồi cho nổi trống tiếp tục hành quân, lấy điểm xuất phát tiếp tại gốc cây Cầy cạnh đó. Từ đó nhân dân địa phương gọi vị trí đó là “Cây Ké phất cờ, Cây Cầy nổi trống”.

“Cổ tích anh linh Nham Mang tự,

Kim triều cải tạo Thượng An từ”.

(Nghĩa là: Dấu xưa linh thiêng thờ ở đèo Mang

Thời nay cải tạo thành đất Thượng An)

Người nhờ núi nêu danh thơm mà tên tuổi sáng mãi với thiên thu, núi nhờ mang tên đấng anh hùng mà như có khí thiêng ngưng tụ…

Tích xưa lưu dấu, lịch sử lưu danh – Tây Sơn Thượng Đạo vùng đất mở ra bao câu chuyện ghi dấu chiến công – Đó còn là nơi hội tụ sức mạnh của cộng đồng các dân tộc, tất cả vì nghĩa lớn, vì giang sơn xã tắc…

Tây Sơn Thượng Đạo trong trái tim đồng bào Bahnar

Dấu ấn nổi bật tại các điểm di tích trong Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo được thể hiện khá rõ nét là tình đoàn kết Kinh–Thượng đã được 3 anh em nhà Tây Sơn dày công vun đắp. Cụm di tích Nền Nhà-Hồ Nước, Kho Tiền Ông Nhạc, ở xã Yang Nam, huyện Kông Chro, gắn liền với tên tuổi Nguyễn Nhạc trong buổi đầu khởi nghiệp nhà Tây Sơn; là nơi ông dùng để giao tiếp buôn bán với đồng bào Bahnar và tập hợp lực lượng khởi nghĩa.

Nằm phía sau ngôi làng Hlang yên bình, Cụm di tích Nền Nhà-Hồ Nước, Kho Tiền Ông Nhạc – Cho đến nay, dân tộc Bahnar vẫn gọi Nguyễn Nhạc là Bok Nhạc, có nghĩa là ông Nhạc, với sự kính phục và lưu truyền nhiều truyền thuyết, giữ gìn nhiều kỷ niệm về các thủ lĩnh Tây Sơn… Nơi này, lịch sử vẫn còn lưu dấu tiền nhân, kể câu chuyện về người anh cả của Tây Sơn tam kiệt trong thuở đầu dựng xây cơ đồ, làm nên nghiệp lớn…

Bà Đinh Thị Diên, làng Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Các già kể lại rằng: Ngày xưa Bok Nhạc tin cái bụng người Bahnar mình lắm nên đã dựng cái nhà, xây hồ nước, làm kho tiền để nuôi quân đánh giặc. Bok Nhạc đã dạy cho thanh niên biết cách làm đồn lũy, cách đánh giặc… Dân làng mình ai cũng tự hào vì Bok Nhạc đã từng sống ở làng nên người lớn, người nhỏ đều phải gìn giữ sự linh thiêng của Bok Nhạc để lại”.

Đời nối đời, các cư dân trên vùng đất này vẫn luôn trân quý, ra sức gìn giữ những di sản gắn liền với thân thế, sự nghiệp của anh em Tam kiệt Tây Sơn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Cụm di tích Nền Nhà-Hồ Nước Ông Nhạc đã được trùng tu, tôn tạo mang dáng vẻ tôn nghiêm, đồng thời vẫn tái hiện được những dấu ấn, tầm vóc lịch sử. Nền nhà được phục dựng, Hồ nước cũng được xây kè bằng đá ong, xung quanh khu di tích có đường đi lối lại thuận tiện…

Anh Đinh BYêi, làng Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, Gia Lai nói: “Khu di tích đây gắn bó với làng Hlang, là thế hệ trẻ mình tự hào bảo vệ khu di tích Nguyễn Nhạc từ hồi xưa. Để mọi người khi đến đây tham quan được đẹp hơn, ngày một tốt hơn”.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Kông Chro, Gia Lai cũng cho biết: “Dưới góc độ ngành văn hóa đã có kế hoạch tham mưu cho huyện trùng tu, xây dựng thêm cho xứng tầm di tích đặc biệt”…

Ngọn cờ khởi nghĩa của nghĩa quân Tây Sơn ngay từ đầu đã đoàn kết, tập hợp được đông đảo nông dân người Kinh và người Thượng và các lực lượng bất bình, chán ghét chúa Nguyễn. Nguyễn Nhạc là người khởi xướng và là người đứng đầu cuộc khởi nghĩa. Trên vùng đất Tây Sơn Thượng, có khá đông đồng bào Bahnar đã gia nhập nghĩa quân. Bên cạnh nông dân người Kinh và người Thượng, cuộc khởi nghĩa còn thu hút được số thương nhân, thổ hào và phong kiến lớp dưới tham gia…

Dân gian còn truyền tụng về mối quan hệ giao lưu của người Kinh và người Thượng qua những câu ca: “Chợ Gò tháng nhóm mười phiên/Là trường giao dịch hai miền ngược xuôi/Bên thì Bok Nhạc người trời/Bên thì Yã Đố là tôi của Yàng/Thượng Kinh tay bắt, tay quàng/Đổi trao hàng hóa đâu màng lợi riêng”.

Trải qua thăng trầm, biến thiên của lịch sử, các điểm di tích ít nhiều đã chịu sự bào mòn của thời gian nhưng từng ngọn núi, tảng đá, gốc cây… đều thấm đẫm hào khí của nghĩa quân Tây Sơn từ thuở đầu dấy binh khởi nghĩa.

Rừng Mộ Điểu xưa, nay thuộc làng Tú Thủy, xã Nghĩa An, huyện Kbang được người dân gọi là “Vườn mít, cánh đồng cô Hầu”. Điểm di tích này là bảo chứng cho mối tình giữa Nguyễn Nhạc và người con gái Banhar xinh đẹp tên Yă Đố (hay còn gọi là Cô Hầu). Bằng tài đức của mình, bà Yă Đố đã góp công sức rất lớn cho nghĩa quân Tây Sơn, không chỉ giúp anh em Nguyễn Nhạc kết giao với các tù trưởng; chiêu mộ binh sỹ, mà còn tổ chức khai hoang, sản xuất, cung cấp lương thực để nuôi quân. Hơn 2 thế kỷ đi qua, bà con Bahnar trong vùng vẫn truyền nhau câu ca:

Cánh đồng cô Hầu,

Đàn trâu ông Nhạc

Ngựa lạc vang lừng

Voi rừng Tượng Đẫm

Như để ghi nhớ công ơn của Cô Hầu đã đóng góp cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, và cũng nhắc nhớ về mối tình đẹp giữa Cô Hầu với Nguyễn Nhạc đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết Kinh – Thượng trên vùng đất này…

Tiến sỹ sử học Nguyễn Thị Kim Vân cho biết: “Anh em Tây Sơn là người đầu tiên gắn kết được mối đoàn kết Kinh – Thượng ở giai đoạn đầu một cách bền chặt, sâu sắc và thực tế nhất. Khi nghĩa quân Tây Sơn tiến về đồng bằng năm 1773  thì trong lực lượng của nghĩa quân có rất nhiều người dân tộc thiểu số, đọc trong các sử liệu, tài liệu thì đều nhắc đến những đàn voi chiến, những thớt voi trong đội quân ấy thì đó chắc chắn phải là nguồn từ vùng thượng đạo cung cấp cho các ông”.

Sau khi 3 anh em nhà Tây Sơn mất, tại An Khê đình, phía trước sân đình, nhân dân địa phương đặt thêm 3 am thờ. Các am này có lối kiến trúc truyền thống kết hợp: Phần trụ mang dáng dấp nhà sàn Bahnar, phần mái mang hình ảnh thu nhỏ ngôi nhà mái chái của người Kinh. Lối kiến trúc này thể hiện sự đoàn kết dân tộc có từ lâu đời giữa người Kinh và người Thượng, nhất là trong phong trào Tây Sơn. Đây là nơi thờ, tưởng nhớ công đức 3 anh em Tây Sơn tam kiệt của người dân địa phương. Tín ngưỡng thờ cúng này vẫn được nhân dân giữ gìn và duy trì cho đến nay. Thế mới thấy, cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn không chỉ lưu danh sử sách. Ở đó còn có đồng bào Kinh – Thượng sát cánh bên nhau, góp công, góp sức xây dựng cơ đồ. Bởi vậy, Tây Sơn Thượng đạo vẫn luôn có trong trái tim của đồng bào các dân tộc, trong đó có người Bahnar.

Phát huy giá trị miền di tích

Ca ngợi thân thế, sự nghiệp của 3 anh em nhà Tây Sơn, sử sách ghi:

“Phi thường sự nghiệp bi thiên cổ

Khoáng thế anh hùng hựu nhất môn…”

Nghĩa là: 3 anh em nhà Tây Sơn là những bậc anh hùng hiếm có, ở cùng một nhà đã làm nên sự nghiệp phi thường, tạc nên bia đá nghìn đời. Tại các điểm di tích trên vùng đất Tây Sơn Thượng còn khắc ghi công đức “3 ngài”, với sự ngưỡng vọng và ngợi ca.

Tiền nhơn công đức ghi nghĩa trọng

Hậu thế muôn đời phụng hưng linh

Niềm vui, niềm tự hào của người dân miền đất địa linh nhân kiệt như được nhân lên, khi mới đây Chính phủ đã ký quyết định công nhận Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, mở ra sự kỳ vọng cho sự phát triển của địa phương dựa trên giá trị di sản.

Trần Ngọc Hỷ Phó ban nghi lễ An Khê đình, thị xã An Khê, Gia Lai bày tỏ: “Nhân dân chúng tôi rất phấn khởi và rất tự hào. Cảm ơn Nhà nước đã quan tâm, và chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn di tích lịch sử của cha ông đã để lại”.

Ông Đinh Văn Súy – Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, Gia Lai cũng nói: “Khi đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thì cũng mong rằng tỉnh cũng như trung ương tạo sự quan tâm đầu tư về nguồn vốn để mà tôn tạo trong các điểm di tích, làm đường giao thông vào khu di tích để trên cơ sở đó bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa khu di tích”.

Nhận thức rõ: Lịch sử, văn hóa là cội nguồn của dân tộc, tài nguyên quan trọng cho sự phát triển vững bền, những năm qua, nhiều điểm di tích trong Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo đã được quan tâm đầu tư tôn tạo…

Ông Dương Thanh Hà – Trưởng phòng VHTT thị xã An Khê, Gia Lai thông tin: “Từ 1991 đến nay, theo thống kê bằng nhiều nguồn lực đầu tư vào Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo, đặc biệt là cụm An Khê trường, An Khê đình thì khoảng 70 tỷ đồng. Trong đó, trung ương khoảng 7 tỷ đồng, tỉnh khoảng 34 tỷ đồng và thị xã đền bù mở rộng mặt bằng và tôn tạo một số hạng mục thì khoảng 30 tỷ đồng”.

Để xứng tầm di tích quốc gia đặc biệt, cùng với nguồn lực đầu tư lớn, sẽ còn nhiều mục tiêu, nhiệm vụ được đặt ra:

 Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Gia Lai trao đổi: “Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo tại tỉnh Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt có ý nghĩa rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lai. Chính vì tầm vóc và ý nghĩa đó cho nên trách nhiệm của chúng tôi trong việc nâng tầm di tích là một trong những nhiệm vụ quang trọng trong thời gian đến. Trước hết, chúng tôi xác định là phải khoanh vùng di tích để bảo vệ, gắn với khoanh vùng là công tác quy hoạch được triển khai đồng bộ. Đồng thời tỉnh cũng sẽ đầu tư các hạng mục, nhất là hạ tầng giao thông để làm sao các điểm đến được thuận lợi cho người dân. Gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử thì chúng tôi thực hiện việc tuyên truyền quảng bá để người dân, thế hệ trẻ ý thức được niềm tự hào. Qua đó thì chúng tôi kêu gọi xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch”.

Trên hành trình khám phá trở về cội nguồn lịch sử – Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng Đạo sẽ cho chúng ta cảm nhận sâu sắc dấu ấn của những người anh hùng áo vải cờ đào đã tạo nên dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc./.

Song Nguyễn – Kim Ngân – Ksor Tuối  


Lượt xem: 76

Trả lời