Vì sao tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng“?

Cập nhật 22/5/2020, 14:05:39

Tăng huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì không có triệu chứng điển hình và thậm chí người mắc không biết mình bị bệnh.

Ngày 17/5 hằng năm được chọn là Ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới để nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này.

Năm nay do đại dịch Covid-19 toàn cầu, Liên đoàn phòng chống bệnh tăng huyết áp Thế giới (WHL) lùi các hoạt động kỷ niệm Ngày phòng chống tăng huyết áp sang ngày 17/10/2020. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn tổ chức các hoạt động để nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh  nguy hiểm này.

vi sao tang huyet ap duoc goi la "ke giet nguoi tham lang"? hinh 1
(Ảnh minh họa)

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng huyết áp ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới và là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính. Tăng huyết áp cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu (12,7%), cao hơn các nguyên nhân khác.

Thông điệp của Ngày phòng chống tăng huyết áp thế giới năm nay là “Đo huyết áp định kỳ, kiểm soát và sống lâu hơn với căn bệnh này”.

Tiến sĩ Sathyanarayanan thuộc Hiệp hội tư vấn và điều trị bệnh tăng huyết áp Ấn Độ cho rằng, huyết áp cao là một căn bệnh dễ chuẩn đoán, dễ điều trị và dễ phòng tránh. Cần học cách sống chung và lâu dài với căn bệnh này: “Huyết áp cao đang ngày càng mở rộng độ tuổi mắc căn bệnh này, thậm chí cả ở trẻ em. Điều này cho  thấy những ảnh hưởng về sức khỏe cũng như sự tốn kém lâu dài khi phải sống chung với căn bệnh này. Tuy nhiên đây là căn bệnh có thể phòng tránh bằng cách đơn giản như lối sống, ăn uống lành mạnh, giảm lượng đường , muối nạp  vào cơ thể, tập thể dục đều đặn hàng ngày, không uống rượu, hút thuốc…”

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, tăng huyết áp là một bệnh lý rất thường gặp trong cộng đồng. Tỷ lệ người mắc bệnh này ngày càng tăng và số người trẻ bị tăng huyết áp có khuynh hướng gia tăng. Tuy nhiên hiện nay nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh này dẫn tới việc kiểm soát và chữa trị không kịp thời có thể gây ra nhiều tổn hại về sức khỏe, thậm chí tử vong.

Sáng kiến trái tim toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới phát động nhằm cải thiện phòng ngừa và quản lý các bệnh tim mạch, bao gồm phát hiện và quản lý tăng huyết áp được nhiều nước hưởng ứng và tham gia. Trong  bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, những người già mắc bệnh cao huyết áp dễ bị nhiễm Covid-19 với các biến chứng nặng hơn.

Do đó nhiều hoạt động tuyên truyền về nguy cơ, biện pháp phòng tránh cũng như kiểm soát căn bệnh cao huyết áp được thực hiện tại những nhà dưỡng lão ở nhiều quốc gia.Nhân ngày phòng chống huyết áp cao thế giới, Uganda hôm qua ký Biên bản ghi nhớ chung mở đường cho việc thực hiện Chương trình trái tim khỏe mạnh châu Phi. Đây là quốc gia thứ 5 châu Phi thực hiện chương trình nhằm tăng khả năng tiếp cận chăm sóc y tế đối với các bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp tại châu Phi./.

Theo VOV


Lượt xem: 50

Trả lời