Vì sao phụ nữ thường bị trầm cảm sau sinh?

Cập nhật 16/6/2017, 14:06:10

Bị trầm cảm sau sinh, người phụ nữ thường mất niềm vui, có cảm giác vô dụng, vô vọng, bất lực.

Vì sao phụ nữ thường bị trầm cảm sau sinh? - 1

P.T.T sát hại con vì bị trầm cảm nặng sau sinh.

Ngày 14/6, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội cho biết, nghi phạm gây ra cái chết của cháu V.V.A (33 ngày tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) là P.T.T (SN 1998), mẹ đẻ của cháu bé.

P.T.T khai nhận, thời điểm xảy ra sự việc, cô thấy đau đầu, có cảm giác như có ai nhập vào người và mất kiểm soát sau đó thực hiện hành vi sát hại con.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định, nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do P.T.T mắc bệnh trầm cảm sau sinh nên có những suy nghĩ tiêu cực.

Lý giải về điều này, bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV Tâm Thần TƯ I, cho biết, trầm cảm sau sinh cực kỳ nguy hiểm.

BS. La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, phụ nữ dễ mắc trầm cảm sau sinh phụ nữ sau sinh thường bị rối loạn cảm xúc, bao gồm hưng cảm, trầm cảm hoặc là lưỡng cực (vừa hưng cảm, vừa trầm cảm). Trong đó, trầm cảm sau sinh thường diễn ra nhiều hơn.

Phụ nữ sau khi sinh có sự thay đổi đột ngột của các loại hormone như: Sau sinh, cơ thể mất đi một số hormone mà khi mang thai đang có như hormone nhau thai HCG (tạo điều kiện cho niêm mạc tử cung để thai nhi phát triển); cùng với quá trình tiết sữa, cơ thể cũng bị giảm đột ngột estrogen và progestrogen… Đặc biệt là sự giảm mạnh hormone tuyến giáp, gây cảm giác mệt mỏi và trầm cảm. Thông thường, khoảng sau 1 tuần sau sinh, phụ nữ sẽ trở lại trạng thái bình thường.

Bên cạnh đó, sau khi sinh cơ thể có sự thay đổi về hình dáng, sức vóc. Hoặc do sự tương tác của các mối quan hệ xã hội, tương tác gia đình và đặc điểm tính cách của bản thân sản phụ.

Theo bác sĩ, thông thường, những người tính cách không mạnh mẽ, ít va chạm, sẽ dễ mắc trầm cảm. Còn những người tuy có tính cách rụt rè nhưng được va chạm nhiều sẽ dần dần tăng sức đề kháng với sang chấn, stress hơn.

Bị trầm cảm sau sinh, người phụ nữ mất niềm vui, có cảm giác vô dụng, vô vọng, bất lực, hay suy nghĩ về cái chết hoặc có nhiều suy nghĩ tiêu cực khác.

BS Phương kể về một trường hợp trầm cảm sau sinh ở TP.HCM gọi điện cầu cứu bác sĩ vì luôn có ý nghĩ “muốn ôm con nhảy lầu tự tử”. Lúc này, BS Phương xác định, chị này bị trầm cảm sau sinh và nói chuyện với người chồng. Tuy nhiên, người chồng vẫn không tin vợ bị bệnh.

Vì sao phụ nữ thường bị trầm cảm sau sinh? - 2

TS. Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương

Một trường hợp khác là chị P.T.H ở Nam Định, nhập viện trong tình trạng bị trầm cảm sau sinh rất nặng. Chị H. không ăn, không uống, không nói chuyện và chống đối điều trị.

Sau khi sinh con, chị H. có những biểu hiện bất thường như rửa tay liên tục, sợ sệt nhưng mọi người nghĩ là biểu hiện bình thường sau sinh nên không để ý. Sau đó, các biểu hiện bệnh của chị H. dần nặng lên (không ăn, không ngủ, không uống thuốc, lẩn thẩn… thậm chí còn định tự sát).

Tình trạng này kéo dài suốt 5 tháng ròng khiến chị H bị sụt cân nghiêm trọng, từ 57kg còn 24kg.

Theo TS Phương, chị H. là một trong những trường hợp trầm cảm sau sinh thể nặng. Do bệnh nhân chống đối quyết liệt nên các bác sĩ phải trộn thuốc an thần vào sữa và cho ăn qua đường xông. Sau đó bệnh nhân được điều trị bằng cách kích từ xương sọ.  Sau gần 1 tháng điều trị, hiện chị H. đã tăng thêm được gần 4kg, giao tiếp vui vẻ.

Bệnh phát triển nặng nhất ở 2 tuần sau sinh

Bác sĩ Phương cũng cho biết, sau khi sinh 1 tuần, sản phụ thường có cảm giác mệt mỏi, hay lo lắng, chán nản. Đây là những biểu hiện ban đầu của bệnh trầm cảm sau sinh. Nếu được chồng và gia đình chồng hỗ trợ thì họ sẽ ngủ được, tạo cảm giác êm ái, dễ chịu, bệnh sẽ khỏi.

“Nếu gia đình chồng không chia sẻ khiến người phụ nữ căng thẳng thì bệnh nặng lên. Bệnh sẽ phát triển mạnh nhất là khoảng 2 tuần sau sinh. Sau thời gian này, người mẹ có thể sẽ làm rất việc nguy hiểm đến tình mạng của trẻ”, BS Phương cảnh báo.

BS. La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, những người tính cách không mạnh mẽ, ít va chạm, sẽ dễ mắc trầm cảm. Còn những người tuy có tính cách rụt rè nhưng được va chạm nhiều sẽ dần dần tăng sức đề kháng với sang chấn, stress hơn.

BS Cương cho biết, dấu hiệu của trầm cảm đó là: Có cảm giác buồn chán, trống rỗng, khó tập trung suy nghĩ, hay quên, luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc, cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng, mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều, hay cáu gắt, giận dữ, nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ sau sinh nếu có các dấu hiệu trên nên đến ngay BV tâm thần để được theo dõi lâu dài vì bạn có tiền sử bệnh lý trầm cảm quá lâu, kéo dài và tái phát nhiều lần.

Khi có các biểu hiện này, chồng và gia đình chồng không hiểu và thông cảm, trái lại còn cho rằng phụ nữ giả vờ hoặc gây áp lực nên để lại hậu quả đáng tiếc.

Vì thế, nếu bệnh nhân mới phát bệnh trầm cảm thì có thể điều trị khỏi dứt điểm. Trường hợp bệnh đã nặng thì điều trị mất nhiều thời gian.

24h.


Lượt xem: 46

Trả lời