Thời tiết thất thường phòng tránh bệnh thế nào?

Cập nhật 17/8/2017, 14:08:10

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, cuối tháng 8 này mưa nắng vẫn thất thường, sáng nắng, oi bức, chiều mưa giông. Một số tỉnh có thể xảy ra lũ quét và sạt lở đất thời gian tới. Với kiểu thời tiết này rất dễ mắc bệnh, để phòng tránh bạn hãy tham khảo lời khuyên của chuyên gia dưới đây.

Thời tiết thất thường phòng tránh bệnh thế nào? - 1

Cần vệ sinh sạch sẽ cơ thể trẻ để tránh mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh minh họa

Mưa nắng thất thường

PV Báo Gia đình&Xã hội đã có cuộc trao đổi với chuyên gia của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia về diễn biến tình hình thời tiết sắp tới được biết, tháng 8 vẫn là tháng có mưa nhiều ở khu vực Bắc Bộ. Đây cũng là tháng vẫn còn xuất hiện nắng nóng trên diện rộng nhưng thường không gay gắt như tháng 5, tháng 6. Diễn biến thời tiết mưa nắng thất thường, sáng nắng, oi bức, chiều mưa giông.

Nhiều địa phương hiện đang chịu đợt nắng nóng oi bức, tuy nhiên đợt nắng nóng này đang giảm dần chỉ còn nóng nhẹ ở mức 34-36oC. Trong những ngày tới đến ngày 16/8, các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa tăng dần, đầu tiên là những cơn mưa giông vào buổi chiều và tối. Sau đó, mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn và kéo dài thành nhiều đợt trong ngày.

Tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái có thể có mưa to đến rất to. Với điều kiện mặt đệm hiện tại và địa hình khu Tây Bắc, cần hết sức đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các vùng có nguy cơ sạt lở để chủ động phương án phòng, tránh trong đợt mưa sắp tới. Còn tại các tỉnh Trung Bộ vẫn đang có nắng nóng 37-38oC và cũng sẽ giảm nhiệt muộn hơn các tỉnh Bắc Bộ một ngày.

Với thời tiết “đỏng đảnh” mưa nắng thất thường như hiện nay, việc mắc phải các bệnh do thời tiết là điều khó tránh khỏi. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), mùa hè nhiệt độ tăng cao, kèm theo những cơn mưa tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển, kể cả côn trùng. Đây là nguy cơ làm lây lan cao các bệnh hay gặp là bệnh lý đường hô hấp; các bệnh liên quan đường tiêu hóa và bệnh từ muỗi như viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết…

Khi thời tiết nắng nóng kèm mưa bất thường còn tạ̣o điều kiện cho các bệnh dị ứng, viêm da như: Viêm mũi dị ứng, nổi mề đay, viêm da dị ứng, viêm kết mạc… cũng dễ mắc gây ngứa ngáy, khó chịu ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Trong đó, trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc các bệnh trên do sức đề kháng còn yếu. Khi môi trường có sự thay đổi đột ngột, cơ thể trẻ không kịp thích nghi dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) cho biết, đây cũng là thời điểm gia tăng của bệnh tay chân miệng và bệnh tiêu hóa như tiêu chảy… khi trẻ ăn uống không đảm bảo vệ sinh hoặc sử dụng các món ăn chưa được nấu chín.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, khả năng lây lan rất cao. Trường hợp trẻ bị bệnh khi được phát hiện sớm sẽ nhanh chóng bình phục. Tuy nhiên, không ít trường hợp vào viện trong tình trạng đã nặng hoặc gặp biến chứng thần kinh sẽ làm việc điều trị khó khăn hơn, thời gian nằm viện kéo dài, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Tránh bệnh thời tiết “đỏng đảnh”

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, mưa nắng thất thường dễ mắc bệnh nhưng nếu chủ động đối phó và phòng tránh tích cực sẽ giảm thiểu được tối đa nguy cơ bệnh tật.

Một cách phòng bệnh thời tiết hiệu quả là bạn cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng nhằm khử sạch vi khuẩn, virus gây bệnh có điều kiện sinh sôi. Đặc biệt, phòng ở cần phải thoáng gió, khô ráo, tránh ẩm thấp để vi khuẩn, virus không trú ngụ và gây thêm bệnh. Hiện nay đang là thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh, các gia đình cần lưu ý loại bỏ các vật dụng ứ đọng nước. Vì mỗi một trận mưa xong, mỗi vật dụng đó có thể chứa con loăng quăng – nguyên nhân gây ra muỗi. Khi muỗi đốt trẻ có thể gây ra tình trạng sốt xuất huyết.

Trường hợp mắc bệnh dị ứng, viêm da nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, vải nhẹ mát, thấm hút mồ hôi, tránh mặc đồ quá dày, len dạ… Nếu người nhà hoặc thấy người xung quanh có dấu hiệu mắc bệnh lây nhiễm như cảm cúm, sổ mũi, ho… tốt nhất nên hạn chế tiếp xúc.

Với bệnh tay chân miệng, theo BS Trương Hữu Khanh, hiện chưa có vaccine phòng bệnh nên các biện pháp phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất. Cả người lớn và trẻ nhỏ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh… Khi chưa rửa tay, tránh chạm vào mắt, mũi và miệng; Tránh tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh như ôm, hôn, chia sẻ dụng cụ ăn uống.

Điều này cũng là cách loại trừ các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Hạn chế sử dụng thức ăn hâm đi hâm lại, nên nấu ăn từng bữa riêng để đảm bảo dinh dưỡng và tránh bệnh lây qua đường tiêu hóa. Những thực phẩm trong tủ lạnh không để lâu, các thực phẩm phải được bọc kín, tách riêng thực phẩm sống và chín.

“Nếu trẻ sốt cao quá 2 ngày, nôn ói, giật mình, yếu tay chân, nổi bóng nước tay, chân, miệng… cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay. Trẻ vẫn cần vệ sinh tắm rửa bình thường, nốt loét trong miệng khiến trẻ đau có thể dùng vài loại thuốc để rơ miệng cho trẻ”, BS Trương Hữu Khanh cho hay.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng cường nâng cao thể trạng cơ thể là một cách bảo vệ mình trước nguy cơ bệnh tật quan trọng nhất. Hãy ăn uống đủ chất, uống nhiều nước và tăng cường luyện tập thể dục thường xuyên. Các gia đình cũng cần chú trọng bổ sung dinh dưỡng bằng các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin A, C, E, canxi, khoáng chất, chất xơ giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống bệnh hiệu quả. Ngoài ra, mọi người cần tiêm phòng đẩy đủ sẽ giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong thời tiết thất thường.

24h.


Lượt xem: 32

Trả lời