Sau lũ lụt, người dân cần làm gì để có nước sạch sinh hoạt?

Cập nhật 18/10/2016, 13:10:46

Người dân vùng mưa lũ có thể sử dụng các biện pháp làm sạch nước đơn giản để có nước sinh hoạt an toàn, bảo đảm sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh.

Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết… lẫn vào nước nước sông, suối, ao hồ.

Nguồn nước nhiễm bẩn, vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển, dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Các bệnh dễ mắc phải như bệnh về da (mẩn ngứa, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông,…); các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, thương hàn), các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột), bệnh phụ khoa do tắm nước bẩn…

sau lu lut nguoi dan can lam gi de co nuoc sach sinh hoat hinh 1
Sau lũ, thiếu nước sạch sẽ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh (Ảnh: VTC News)

Theo các chuyên gia, có những cách làm sạch nước như sau:

Nếu trời mưa, bạn có thể hứng nước mưa để nấu nước uống và nấu ăn. Trường hợp phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch thì phải làm trong và khử khuẩn nước rồi mới dùng.

Cách làm trong và khử khuẩn nước như sau:

– Cách làm trong nước bằng phèn: Dùng một miếng phèn chua khoảng nửa đốt ngón tay hòa tan vào một gáo nước, sau khi phèn tan hết, đổ gáo nước đó vào một xô đựng nước khoảng 20 – 25 lít khuấy đều. Khoảng 30 phút sau, khi cặn đã lắng xuống đáy thì gạn lấy nước trong ở phía trên để khử khuẩn.

– Cách khử khuẩn nước bằng viên Cloramin B: Hòa tan 1 viên khử khuẩn Cloramin B 0,25g vào một gáo nước, đổ gáo nước đó vào xô nước đã được làm trong nói trên và khuấy đều. Đợi khoảng 30 phút sau mới sử dụng nước. Nước đã khử khuẩn bằng Cloramin B vẫn phải đun sôi mới được uống.

– Cách khử khuẩn bằng viên Aquatabs: Tiện nhất là dùng viên Aquatabs 67mg để khử khuẩn nước. Cách dùng: Cho 1 viên Aquatabs loại 67mg vào 20 lít nước trong, đậy nắp lại, đợi sau 30 phút để thuốc diệt hết vi khuẩn là dùng được.

– Đun sôi: Đun sôi nước là biện pháp hữu hiệu nhất để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, nhược điểm của cách này là không thể loại bỏ các khoáng chất độc hại hoặc các kim loại nặng không bốc hơi nếu lẫn trong nước. Người dân có thể dùng vải bông y tế hoặc vải màn sạch để lọc bỏ cặn sau khi đun nước xong.

Lưu ý:

– Không tiến hành khử khuẩn đồng thời với sử dụng phèn chua vì phèn sẽ hấp thụ clo, làm mất tác dụng của clo.

– Khi khử khuẩn, nước phải có mùi clo mới đạt yêu cầu.

– Trong trường hợp cho quá liều lượng viên nén lọc nước hoặc hóa chất khử trùng, cần đợi để nước bớt mùi nồng của clo mới sử dụng.

– Khi tiếp xúc với các hóa chất khử trùng, phải trang bị găng tay cao su, khẩu trang…/.

VOV.


Lượt xem: 49

Trả lời