Sai lầm nguy hiểm trong cách cho bệnh nhân đột quỵ ăn uống

Cập nhật 07/6/2017, 15:06:05

Nhiều người cho bệnh nhân đột quỵ nằm để ăn uống. Cách này rất nguy hiểm, vì bệnh nhân dễ sặc cháo, nước gây viêm phổi.

Với mong muốn cùng chung tay với ngành y tế Việt Nam đưa bệnh nhân đột qụy về cuộc sống bình thường, EVER Pharma triển khai chương trình phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ (AVANT). Chương trình có sự hỗ trợ chuyên môn của Tổ chức đột quỵ thế giới, Tổng hội Y học Việt Nam và Hội phục hồi chức năng Việt Nam.

Chương trình AVANT ra đời nhằm chuẩn hóa và hệ thống hóa vệ phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ thông qua các khóa đào tạo dành cho đối tượng tham gia là bác sĩ, kỹ thuật viên PHCN và người chăm sóc bệnh nhân.

TS Lê Hoàng Anh (Giám đốc EVER Pharma) cho biết, đột quỵ có 2 giai đoạn là cấp cứu và phục hồi. Hiện nay, 95% bệnh nhân phải đối mặt với di chứng sau đột quỵ. Chính vì thế phục hồi chức năng rất quan trọng, nhưng lại chưa được chú ý đúng mức.

Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị xong giai đoạn cấp cứu, ra viện lại mất phương hướng vì không có thông tin (75% trở về địa phương không được theo dõi và tập phục hồi chức năng; bệnh viện thiếu nhân lực, gia đình không có kiến thức chăm sóc). Hoặc việc phục hồi chức năng chủ yếu vẫn là tập vật lý trị liệu, tập vận động. “Nếu không có điều kiện đến bệnh viện thì AVANT cung cấp các bài tập chăm sóc cho họ ở nhà như việc cho ăn thế nào, trở mình cho bệnh nhân, nâng người bệnh đứng dậy như thế nào mới đúng cách…” – bà Hoàng Anh nói.

Cũng theo TS Hoàng Anh, “Các bệnh nhân đột quỵ thường bị rối loạn nuốt nhưng nhiều người thấy bệnh nhân khó khăn trong việc ngồi, vận động nên thường để bệnh nhân nằm ăn, uống. Đây là sai lầm nghiêm trọng nhưng rất phổ biến. Tuyệt đối không được cho bệnh nhân nằm ăn. Bệnh nhân bị đột quỵ các cơ không còn hoàn thiện, nếu nằm ăn dễ bị sặc, dẫn đến viêm phổi”.

sai lam nguy hiem trong cach cho benh nhan dot quy an uong hinh 1
Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên đánh giá cao chương trình AVANT.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam đánh giá, AVANT là một chương trình phục hồi chức năng rất toàn diện, từ bệnh viện, về nhà và ra cộng đồng.  “Bộ Y tế cũng chưa có 1 chương trình nào có kế hoạch cụ thể, rõ ràng  như chương trình này. Các bác sĩ có  kỹ thuật cao được đưa sang Áo học rồi về Việt Nam đào  tạo lại cho các bệnh viện, các địa phương. Nội dung chương trình đã được  Bộ Y tế phê duyệt”.

Đánh giá về chương trình này, PGS. TS Nguyễn Hoàng Ngọc –Giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Trước đây, sau giai đoạn cấp cứu 7-8 ngày, nhiều bệnh nhân không dám về nhà mà xin ở lại viện để được tiếp tục điều trị. Thế nhưng, thời gian qua, qua chương trình AVANT, nhiều gia đình được hướng dẫn cách chăm sóc, tập luyện cho người đột quỵ nên họ rất  sẵn sàng đưa người thân về  nhà. Các gia đình biết cách chăm sóc thì khi khám lại hiệu quả rõ rệt. “Dự án AVANT khóa đầu tiên cho 1 nhóm học ở Bạch Mai cho thấy thực tế nhiều y bác sĩ làm hàng ngày nhưng chưa chuẩn. Đơn giản như việc trở mình cho bệnh nhân liệt, nếu không được hướng dẫn thì bị ngã” – bà Hoàng Ngọc nói.

Dưới sự chỉ đạo của Tổng hội Y học Việt Nam, EVER Pharma sẽ phát triển mạng lưới đào tạo trên khắp cả nước, từ các bệnh viện Trung ương đến các cơ sở y tế tuyến tỉnh và thành phố. Dự kiến sẽ có 100 khóa tập huấn dành cho các cán bộ y tế và 100 lớp học dành cho người nhà bệnh nhân diễn ra trong 3 năm từ 2017-2020. Toàn bộ chi phí tổ chức lớp học, mời giảng viên, in phát tài liệu sẽ do EVER Pharma đài thọ. Các cán bộ y tế sau khi hoàn thành khóa tập huấn sẽ được Tổng hội Y học Việt Nam cấp chức chỉ đào tạo liên tục tương đương với 48 giờ học quy đổi./.

VOV.


Lượt xem: 29

Trả lời