Người Việt quá dễ dãi với an toàn thực phẩm

Cập nhật 25/8/2016, 08:08:28

Ở Việt Nam, người bán xôi chỉ cần 1 cái nồi nấu xôi là xong, không cần một dụng cụ hay quy tắc nào.

Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ là lực lượng lao động có mặt trên tất cả lĩnh vực liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến lương thực, thực phẩm và tiêu dùng.

Nên trang bị kiến thức về ATTP cho các bà nội trợ

Chị em là người trực tiếp chăm lo sức khỏe, cuộc sống gia đình thông qua bữa ăn hằng ngày. Chính vì vậy, phụ nữ cần phải được trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu dùng. Nếu được cung cấp đầy đủ các thông tin, kiến thức khoa học này, phụ nữ sẽ phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và tiêu dùng các sản phẩm đảm bảo an toàn; đồng thời phụ nữ sẽ là những người tiên phong và chắc chắn họ sẽ tạo được những chuyển biến vô cùng to lớn trong việc giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm đối với phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung, Hội LHPN Việt Nam đã xác định công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội, góp phần “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

nguoi viet qua de dai voi an toan thuc pham hinh 0

Tại cuộc hội thảo “Sức khỏe và An toàn Thực phẩm đối với cộng đồng” do Hội LHPN phối hợp với Cục An toàn Thực phẩm tổ chức, ông Đinh Quang Minh, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nêu ra nhiều vấn đề đáng bàn về thực trạng của an toàn thực phẩm ở Việt Nam và nan giải.

Ông Minh nói: “Nhiều người dân Việt Nam rất dễ dãi với an toàn thực phẩm. Một ví dụ rất cụ thể là ở Việt Nam, người bán xôi chỉ cần 1 cái nồi nấu xôi là xong, không cần một dụng cụ hay quy tắc nào. Kiểu bán hàng này là chủ yếu và họ rất thích những món ăn như thế này. Chính vì thế, ATTP ở Việt Nam càng trở nên nan giải”.

Trong khi đó, tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng “Đón sóng thực phẩm sạch” diễn ra ngày 23/8, ca sĩ Mỹ Linh cho biết, cô cũng như rất nhiều người tiêu dùng rất hoang mang và không thể tin tưởng vào thực phẩm trôi nổi trên thị trường hiện nay.

“Thực phẩm liên quan đến sức khỏe. Trong khi chúng ta bỏ rất nhiều tiền để đi chơi, có nhà, có xe thì không có lý do gì không mua thực phẩm an toàn nhưng giá lại rẻ như bèo được” – Mỹ Linh nói.

Nữ ca sĩ đã bác bỏ quan điểm “thực phẩm sạch nhưng phải rẻ” và cho rằng, bản thân cô đã nuôi trồng thực phẩm cho gia đình và thấy không hề rẻ. Nếu rẻ thì rõ ràng đã trả công cho người lao động rất rẻ mạt, và như thế họ không thể làm tốt công việc của mình.

Nhiều vụ ngộ độc xảy ra do thực phẩm bẩn

Theo ông Đinh Quang Minh: từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 170 vụ ngộ độc thực phẩm làm cho hơn 5.000 người mắc, 31 người tử vong. Đây là số lượng thống kê được còn thực tế có thể cao hơn nữa. Trong đó, các vụ ngộ độc hiện nay từ 2010 – 2015 các vụ ngộ độc thực phẩm đông người trên 20 người từ 23 – 35 %, số lượng người mắc chiếm 68 %. Tính theo tỷ lệ trên 100 nghìn dân số lượng giao động từ 5,3 đến 6,2 người/100.000 dân.

Ông Minh nhấn mạnh: các ca ngộ độc thực phẩm tập trung trong các tháng mùa hè, trong từng tháng, tập trung nhiều trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8.

Trong các vụ ngộ độc chủ yếu xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc chiếm trên 50%. Số lượng người mắc tập trung chủ yếu trong lứa tuổi lao động giai đoạn từ 15 tuổi đến 49 tuổi. Đặc điểm ngộ độc thực phẩm chủ yếu xảy ra ở bếp ăn gia đình, liên quan đến yếu tố của người nội trợ rất lớn. Theo đó, bếp ăn gia đình chiếm 51,2 %. Ngộ độc thực phẩm tập thể trên 18% ngoài ra còn các địa điểm khác như đường phố, nhà hàng, khách sạn…

Vì sao lại xảy ra nhiều vụ ngộ độc đến như vậy? Câu trả lời của các chuyên gia là thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, người bán hàng vì hám lợi mà bấp chấp mọi thủ đoạn và người tiêu dùng thì ham mua hàng trôi nổi…

Ông Minh khuyến cáo: cách tốt nhất để đảm bảo ATTP mỗi cá nhân, gia đình người nội trợ phải tuân thủ 10 nguyên tắc vàng. Đặc biệt, khi mua thực phẩm phải chọn lựa những cơ sở có xuất xứ rõ ràng, có uy tín. “Thực phẩm đựng bao khi mua xem hình thức có lành lặn hay không, hướng dẫn sử dụng và hạn dùng, cách bảo quản sử dụng sản phẩm phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất”, ông Minh nói.

Để hạn chế ngộ độc thực phẩm, ông Đinh Quang Minh nhấn mạnh: chúng ta phải thường xuyên rửa sạch tay khi chế biến. Rất nhiều người quên mất thói quen cơ bản này trong chế biến. Đặc biệt, ông Minh cũng cho biết thêm: Có rất nhiều bà mẹ rất cẩu thả như chế biến đồ ăn cho con rồi cất trong tủ lạnh một tuần. Những thực phẩm cho trẻ em nên hạn chế bảo quản lạnh, không nên lưu trữ lại lâu dài mà gây ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa của trẻ.

Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, cả nước có trên 500.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu thủ công, lạc hậu, mang tính chất hộ gia đình. Trong khi đó, cán bộ quản lý an toàn thực phẩm rất mỏng, chỉ tính riêng ở Cục An toàn Thực phẩm chí có 100 cán bộ, ở các chi cục địa phương trung bình 15 cán bộ. So với các nước khác đây là còn số quá mỏng. Trong khi đó, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nhiều, lại có các phong tục, thói quen ăn uống nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhiều.

Liên quan đến tài chính phòng chống an toàn thực phẩm, ông Minh cho biết: ở nước ta, từ năm 2000 đến 2005 là 780 đồng/người/năm; năm 2006 đến 2010 là 3.000 đồng/người/năm; Năm 2012-2015: 1.500 đồng/người/năm. Tỷ lệ cấp so với nhu cầu: 27,3%. Đặc biệt, từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa cấp cho công tác an toàn thực phẩm nguồn ngân sách nào. Trong khi đó, ở Thái Lan họ chi ngân sách cho an toàn thực phẩm là 20.000 đồng/người/năm.

10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn

1. Chọn thực phẩm an toàn

2. Nấu chín kỹ thức ăn

3. Ăn ngay sau khi nấu

4. Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín

5. Nấu lại thức ăn thật kỹ

6. Tránh tiếp xúc giữa thức ăn sống và chín

7. Rửa tay sạch

8. Giữ sạch các bề mặt chế biến

9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và động vật

10. Sử dụng nguồn nước sạch./.

Theo VOV.VN

Lượt xem: 111

Trả lời