Đừng biến bữa ăn thành nỗi sợ – Hãy cho trẻ niềm vui!

Cập nhật 18/4/2019, 07:04:58

Trong năm năm đầu đời, dinh dưỡng giúp tối ưu hoá tiềm năng phát triển của bé.

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển ở giai đoạn đầu đời. Nghiên cứu mới nhất được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên về Sự tăng trưởng của Abbott tại Granada, Tây Ban Nha đã chỉ ra rằng gen di truyền ảnh hưởng 20%, trong khi dinh dưỡng và lối sống tác động 80% đến sự phát triển của trẻ. Trong năm năm đầu đời, dinh dưỡng giúp tối ưu hoá tiềm năng phát triển của bé.

Hội nghị Thượng đỉnh thường niên về Sự Tăng trưởng được tổ chức bởi Viện Sức khoẻ Dinh dưỡng Abbott (ANHI) đã đưa những kiến thức khoa học trở thành giải pháp dinh dưỡng hiệu quả cho mọi lứa tuổi. Hội nghị vừa qua đón tiếp hơn 300 bác si nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ hàng đầu thế giới từ 30 quốc gia khác nhau, cùng thảo luận về mối tương quan giữa dinh dưỡng và sự tăng trưởng của trẻ. Đây cũng là cơ hội để các chuyên gia bàn bạc về biện pháp nâng cao hiệu quả dinh dưỡng để cải thiện đời sống con người, đặc biệt là đối với trẻ bị suy dinh dưỡng.

Tại hội nghị, PV có cơ hội phỏng vấn bà Kim Milano, Chuyên gia Dinh dưỡng tại Chicago, Hoa Kỳ, mang đến cái nhìn chính xác hơn về những vấn đề liên quan đến dinh dưỡng trẻ em. Với hơn 32 năm kinh nghiệm, bà chuyên về dinh dưỡng nhi khoa, chú trọng đến những khó khăn trong việc ăn uống ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Bà đã tham gia vào các chương trình cho trẻ ăn tại Trung tâm y tế trẻ em quốc gia ở Washington DC, Hoa Kỳ; chương trình Trẻ em của bệnh viện Mercy ở thành phố Kansas bang Missouri và một số bệnh viện cộng đồng khác.

dung bien bua an thanh noi so - hay cho tre niem vui! hinh 1
Bà Kim Milano, Chuyên gia Dinh dưỡng tại Chicago, Hoa Kỳ

– Xin bà cho biết làm cách nào để xác định sự tăng trưởng của trẻ?

Tăng trưởng của trẻ cần được đo lường trên cả phương diện khách quan và chủ quan ví dụ như cân nặng, chiều cao, chỉ số tăng trưởng, lịch sử gia đình và mức độ hoạt động, tiền sử ăn uống, ăn kiêng, và cả sự quan tâm của cha mẹ. Cha mẹ có thể kiểm tra mức độ tăng trưởng cho con bằng thước đo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc cho con tư vấn với bác sỹ nhi.

Chúng ta thường quan tâm đến chiều cao của trẻ hay nói cách khác là tăng trưởng tuyến tính. Tăng trưởng tuyến tính chỉ được đo bằng chiều dài thân khi nằm ngửa đối với trẻ dưới 2 tuổi; với trẻ lớn hơn, là chiều cao khi đứng thẳng. Sự thay đổi chiều cao (hay chính là Tốc độ tăng trưởng) là biểu hiện rõ ràng hơn cho tăng trưởng tuyến tính.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa cân nặng và chiều cao của trẻ là thước đo sự tăng trưởng chính xác hơn nhiều so với việc chỉ quan tâm đến tăng trưởng tuyến tính.

– Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng hỗ trợ tăng trưởng ở trẻ. Nhưng nếu trẻ gặp vấn đề về ăn uống, cha mẹ nên xử lý như thế nào?

Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu được nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề trong ăn uống ở trẻ. Đó có thể là những vấn đề về môi trường như mất vệ sinh an toàn thực phẩm; vấn đề liên quan đến tiếp thụ dinh chất dinh dưỡng như nhai nuốt, tiêu hoá, hấp thu; việc tích tụ dinh dưỡng do quá trình chuyển hoá kém hoặc thừa dinh dưỡng; hay những khó khăn khi cho ăn như chán ăn, kén chọn hoặc sợ ăn. Tùy vào nguyên nhân mà có những cách xử lý khác nhau.

– Vậy làm sao để giải quyết với những vấn đề này khi cho trẻ ăn, thưa bà?

Phần lớn trẻ em đang gặp phải vấn đề ăn uống nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Điều cha mẹ nên làm là bình tĩnh, xác định nguyên nhân và tìm ra cách giải quyết.

Kén ăn là vấn đề phổ biến nhất, xảy ra ở 17% trẻ khoẻ mạnh trong độ tuổi tập đi. Kén chọn có thể dẫn đến sự thiếu hụt dưỡng chất cần thiết như vitamin D, vitamin E, canxi, kẽm, axit folic, sắt và chất xơ. Để giải quyết tình trạng này, cha mẹ nên đa dạng hoá kết cấu cũng như số lượng món ăn.

5% trẻ em tập đi khoẻ mạnh mắc chứng chán ăn. Tỉ lệ này có thể nhiều hơn khi trẻ gặp vấn đề sức khoẻ. Biểu hiện của chán ăn là trẻ không có hứng thú với thức ăn và ăn rất ít. Trẻ cũng phản ứng chậm khi được cho ăn và rất nhanh no. Cha mẹ cần tăng lượng thức ăn và năng lượng mà bé nạp vào hoặc kích thích bé tự điều chỉnh cảm giác thèm ăn.

Sợ ăn là vấn đề ít xảy ra nhất, chỉ dưới 1% trẻ em khoẻ mạnh mới gặp phải. Nó bắt nguồn từ những trải nghiệm xấu mà trẻ gặp phải khi được cho ăn. Do đó, điều mà cha mẹ nên làm là giảm sự cho lắng khi cho con ăn.

– Bà có thể tư vấn cho các bậc cha mẹ đang cảm thấy bối rối và căng thẳng mỗi khi cho trẻ ăn?

Chúng ta có thể chia cách cho ăn của cha mẹ thành 4 loại: Kiểm soát, Nuông chiều, Lơ là và Tương tác tốt. Quan trọng nhất là cha mẹ phải biết mình thuộc loại nào và điều chỉnh bản thân để đạt hiệu quả cho ăn tốt nhất.

Dấu hiệu của một bà mẹ “Kiểm soát” là luôn cố gắng kiểm soát số lượng và loại thực phẩm con ăn. Bà mẹ này thường quá lo lắng đến mức phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế. Lời khuyên cho các mẹ đang có hành vi tương tự là hãy giảm sự kiểm soát với trẻ, bớt lo lắng và tương tác với trẻ nhiều hơn.

Những ông bố “Nuông chiều” cũng lo lắng chẳng kém gì các bà mẹ “Kiểm soát”. Ông bố này không biết đặt ra những giới hạn trong bữa ăn và cho con ăn bất cứ cái gì con thích, bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu con muốn. Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh việc bớt lo lắng và tăng tương tác, các ông bố “nuông chiều” cùng cần cải thiện cấu trúc bữa ăn nữa.

Các bậc cha mẹ “Lơ là” là những người không quan tâm đến nhu cầu của trẻ, thậm chí không biết con mình gặp vấn đề ăn uống. Nếu bạn đang ở trạng thái như vậy, lời khuyên của tôi là hãy nói chuyện với con mình nhiều hơn để hiểu mong muốn của con cũng như vấn đề mà con đang gặp phải.

Kiểu mẫu cha mẹ lý tưởng nhất khi cho trẻ ăn là cha mẹ “Tương tác tốt”. Những ông bố bà mẹ này biết đặt ra giới hạn phù hợp, phản ứng lại với những dấu hiệu thèm ăn/chán ăn của trẻ, tham gia cho con ăn nhưng không can thiệp quá dâu. Cha mẹ “Tương tác tốt” nên tăng cường thói quen ăn uống tích cực và tránh nhiễm các cách ăn không hợp lý.

dung bien bua an thanh noi so - hay cho tre niem vui! hinh 2
Hội nghị Thượng đỉnh thường niên về Sự Tăng trưởng được tổ chức bởi Viện Sức khoẻ Dinh dưỡng Abbott (ANHI)

– Bà có thể cho các bậc cha mẹ một vài lời khuyên để giảm bớt gánh nặng của họ khi cho con ăn?

Một điều quan trọng cha mẹ cần chú ý, đó là tạo áp lực cho trẻ khi ăn có thể phản tác dụng vì nó gây khó chịu cho trẻ, dẫn đến các vấn đề về hấp thu hay những khó khăn khi ăn uống.

Đồng thời, cha mẹ cũng nên dừng tất cả các hành động ép ăn và tạo cho con một môi trường ăn uống tích cực, ví dụ như để trẻ ngồi vào bàn và không bị phân tâm khi ăn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên tạo nên màu sắc riêng của bữa ăn bằng cách dành thời gian ăn với con, để con tự ăn. Hãy bình tĩnh, giữ thái độ trung lập, tránh cáu giận dù con có bày bừa trên bàn ăn.

Và hãy nhớ cung cấp thức ăn phù hợp cho trẻ dựa theo lứa tuổi và kỹ năng của trẻ. Tuyệt đối nói không thực phẩm không lành mạnh và cho trẻ ăn ít nhất ba lựa chọn món trong một bữa. Nên bổ sung dinh dưỡng cân đối và đầy đủ cho trẻ, cha mẹ có thể cân nhắc lựa chọn bổ sung dinh dưỡng đường uống như sữa giúp bù đắp năng lượng và các vitamin khoáng chất thiết yếu.

– Xin cảm ơn lời khuyên hữu ích của bà./.

Theo VOV


Lượt xem: 21

Trả lời