Cảnh báo nguy cơ đột quỵ vì nắng nóng

Cập nhật 25/4/2019, 20:04:02

Thời tiết thất thường khi giao mùa hay nắng nóng gay gắt không phải là nguyên nhân, nhưng là điều kiện thuận lợi cho các yếu tố gây nguy cơ đột quỵ.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong những ngày nắng vừa qua, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận số lượng bệnh nhân bị đột quỵ nhiều nhất khu vực miền Bắc, với vài chục ca mỗi ngày.

Người bệnh vốn bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, loạn nhịp tim, có bệnh lý về máu, người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu… luôn có sẵn nguy cơ và nếu không dự phòng tốt sẽ có khả năng cao bị đột quỵ. Khi thời tiết quá nắng nóng, huyết áp có thể tăng không kiểm soát được, cộng với thói quen ăn mặn, căng thẳng cả ngày hay bị hạn chế vận động vì nắng gắt, cũng rất dễ dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

so ca nhap vien vi dot quy do nang nong tang cao hinh 1
Số ca nhập viện vì đột quỵ do nắng nóng tăng cao.

“Số lượng bệnh nhân tăng lên vì nắng nóng là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đột quỵ. Khi thời tiết nóng bức sẽ gây căng thẳng, khó chịu, người bệnh quên uống thuốc, ngại đi khám… Nhiều bệnh nhân không kiểm soát các yếu tố nguy cơ này càng làm tăng khả năng bị đột quỵ Trong những ngày nắng nóng, những người có sẵn nguy cơ đột quỵ, thì cá nhân và gia đình phải giúp bệnh nhân kiểm soát các yếu tố này để phòng tránh”, PGS.TS. Nguyễn Văn Chi nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia y tế, trong những ngày nắng nóng bất thường, nguy cơ đột quỵ nói riêng và các bệnh mãn tính khác có xu hướng tăng lên do các “yếu tố tạo thuận lợi” từ thời tiết.

Thời tiết mùa Hè năm nào cũng có những đợt nắng nóng khắc nghiệt, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo người dân tránh ra ngoài trời vào cao điểm nắng nóng 12h-16h. Đồng thời đảm bảo đủ nước, đảm bảo các phương tiện bảo hộ để giảm tác động của nhiệt và tia tử ngoại. Đảm bảo môi trường làm việc, nghỉ ngơi thông thoáng.

Bên cạnh đó, môi trường có nhiệt đột cao hơn cơ thể sẽ dễ gây ra nhiều biến cố sốc nhiệt (shock nhiệt), khiến người bệnh dễ rơi vào tình trạng hôn mê. Làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, phải tạm dừng nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể.

Bác sĩ Đào Việt Phương, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo thêm về nguy cơ sốc nhiệt do nắng nóng như những ngày qua. Đây phần lớn là những trường hợp phải đi ra ngoài trời nắng nhiều hoặc người có tiền sử huyết áp cao, tim mạch, thiếu máu não…

“Chúng ta phải phân biệt sốc nhiệt và đột quỵ. Trong đó, đột quỵ hay tai biến mạch máu não với nguyên nhân là do mạch máu. Còn sốc nhiệt là do nhiệt. Chúng ta rất hay bị nhầm hai triệu chứng này, song đây là hai bệnh toàn toàn khác nhau. Sốc nhiệt hay say nắng, say nóng là vấn đề sức khỏe nổi trội thường gặp khi mùa Hè đến, khi nhiệt độ tăng. Bệnh nhân có thể không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, họ có thể là những người phải làm việc trong môi trường nóng kéo dài”, bác sĩ Đông cho biết. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân tránh sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ trong khoảng thời gian ngắn, gây bất lợi cho sức khỏe. Cơ thể cần thời gian để thích nghi với những thay đổi./.

Theo VOV


Lượt xem: 20

Trả lời