Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga: Một biểu tượng của tình hữu nghị

Cập nhật 24/10/2017, 07:10:41

Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã phát huy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

30 năm qua, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga đã phát huy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
trung tam nhiet doi viet nga mot bieu tuong cua tinh huu nghi hinh 1
Nhà kính trồng rau xanh trên quần đảo Trường Sa, công trình khoa học ứng dụng thực tế của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga.
Mỗi người dân Việt Nam đều dành những tình cảm thương yêu nhất đối với các chiến sỹ đang ngày đêm sẵn sàng chiến đấu trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với các sỹ quan nghiên cứu khoa học tại Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, tình cảm ấy thôi thúc các anh nghiên cứu và ứng dụng thành công đề tài nghiên cứu khoa học trồng rau xanh trong nhà kính, chống lại những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết trên biển, nhằm góp phần cải thiện đời sống cán bộ chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa.
Trung tá Nguyễn Văn Thành Nam, người trực tiếp tham gia nghiên cứu và triển khai thành công công trình khoa học này cách đây 10 năm trên đảo Trường Sa cho biết, đây chỉ là phần đóng góp nhỏ của những người lính làm khoa học để chia sẻ khó khăn với đồng đội.
“Kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cũng đã khẳng định được rằng chúng ta có thể trồng được rau xanh cho ngoài đảo, đặc biệt là trong mùa mưa bão, mùa cuối năm hơi muối lên nhiều thì gần như là rau xanh không thể lên được. Những lúc ấy, chiến sỹ rất đói rau, trong khi rau chuyển từ đất liền ra không phải lúc nào cũng có sẵn được… Qua đây, có thể khẳng định chúng ta có thể trồng được rau ngoài đảo”, Trung tá Nguyễn Văn Thành Nam cho hay.
Trung tâm Ô xy Cao áp cũng là một mô hình ứng dụng khoa học vào điều trị y khoa giành lại sự sống cho nhiều người của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga. Thực tiễn đã khẳng định liệu pháp ô xy cao áp đặc biệt hiệu quả cho các bệnh như: giảm áp thường gặp của ngư dân lặn biển, ngộ độc oxít-các-bon trong các vụ cháy, vết thương hoại tử lâu ngày, bệnh thiếu máu cơ tim, thiểu năng tuần hoàn não v.v…
Trung tá, Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Phương Nam, Giám đốc Trung tâm ô xy Cao áp cho biết: “Đây là đề tài nghiên cứu y sinh thành công của các nhà khoa học Việt Nam và Nga, được Bộ Y tế cho phép thực hành liệu pháp ô xy cao áp trong ngành y tế cả nước. Thông qua các công trình nghiên cứu khoa học, tình cảm giữa các nhà khoa học, tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước được thể hiện sâu đậm hơn”.
30 năm qua Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực y sinh đã nghiên cứu hậu quả gây ra đối với con người và môi trường do chất độc da cam đế quốc Mỹ rải xuống trong chiến tranh Việt Nam. Trung tâm cũng có nhiều công trình nghiên cứu để bảo quản lâu dài vũ khí, khí tài quân sự trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nhằm phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, nhiều nhà khoa học ở đây đang tập trung nghiên cứu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đến Việt Nam để kiến nghị những biện pháp giảm thiểu thiệt hại… Làm nên những thành quả đó, mỗi năm có hàng trăm nhà khoa học Nga, trong đó có hàng chục viện sỹ hàn lâm, giáo sư đầu ngành sang phối hợp cùng các nhà khoa học Việt Nam thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Một điều đặc biệt thú vị nữa là, trong các công trình nghiên cứu khoa học Việt – Nga tại đây, ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Nga.
Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn Văn Khuê, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga cho biết: “Đối với chúng tôi là một đơn vị hợp tác nghiên cứu phối hợp giữa Việt Nam và Liên bang Nga (ngày xưa là Liên Xô), chúng tôi hợp tác trên 3 lĩnh vực là: độ bền nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới và y sinh nhiệt đới. Chức năng nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ có trình độ cao cho Việt Nam cũng như Liên bang Nga và hợp tác phối hợp với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước”.
Theo Đại tá, Tiến sỹ Hoàng Ánh Tuyết, nguyên Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga người có nhiều công trình nghiên cứu cùng các nhà khoa học Nga thì công trình khoa học bà ấn tượng nhất là đã đưa ra được kết luận rất quan trọng đối với chiến lược phòng chống bệnh dịch hạch tại Việt Nam đó là: tại Việt Nam không có ổ dịch hạch thiên nhiên mà ổ dịch được mang tới do con người. Từ đó có biện pháp đấu tranh với bệnh dịch hạch cũng như xây dựng các học thuyết tiến hoá của mầm dịch hạch, đóng góp vào kiến thức y văn thế giới.
Bà Hoàng Ánh Tuyết chia sẻ: “Tình người và sự hợp tác chân thành với những nhà khoa học Nga là điều không thể phai trong ký ức của mỗi nhà khoa học Việt Nam. Cán bộ khoa học Nga họ đều là có kiến thức khoa học rất uyên bác nhưng tình cảm của họ đối với Việt Nam nói chung và đối với những cán bộ khoa học Việt Nam tại Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga nói riêng có mối quan hệ rất chặt chẽ và sự hợp tác rất chân thành”.
Trong niềm vui chung kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, những nhà khoa học ở Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga vui mừng kỷ niệm 30 năm thành lập trung tâm. Những công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thực tế lớn cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự; những tình cảm thắm thiết, chân thành của những nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga… đã cho thấy Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga là một bông hoa đẹp, một biểu tượng thắm tình hữu nghị Việt – Nga./.
Theo VOV

Lượt xem: 19

Trả lời