Thiết bị y tế cứ tuyến trên mua cho tuyến dưới là không dùng được

Cập nhật 26/5/2017, 07:05:40

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan: Cứ tuyến trên mua thiết bị cho tuyến dưới là không dùng được, là hỏng, là đắp chiếu.

Kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng, nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.

Cá biệt, qua kiểm toán phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng. Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan trao đổi với báo chí xung quanh kết quả kiểm toán trong lĩnh vực y tế: “Cứ dính đến tiền nhà nước là có chuyện. Cứ tuyến trên mua cho tuyến dưới thiết bị là không dùng được, là hỏng, là đắp chiếu”.

thiet bi y te cu tuyen tren mua cho tuyen duoi la khong dung duoc hinh 1
Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp.HCM, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan trao đổi với báo chí xunh quanh kết quả kiểm toán trong lĩnh vực y tế.

PV: Thưa bà, Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra hàng loạt những biểu hiện lãng phí, thất thoát, loạn giá thầu trang thiết bị y tế, hoá chất khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện lớn tuyến Trung ương và một số địa phương. Bà đánh giá thế nào về những con số, sự thật thể hiện qua báo cáo kiểm toán?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Trên tổng thể, tôi nghĩ giữa đơn vị kiểm toán và người được kiểm toán phải có trao đổi, thống nhất ý kiến. Qua theo dõi, tôi chưa thấy sự thống nhất quan điểm đưa ra. Có những mặt hàng kiểm toán kết luận có sự chênh lệch quá lớn về giá giữa các bệnh viện, có sản phẩm chênh tới 6-7 lần nhưng về phía đơn vị cũng có giải trình, cho rằng kiểm toán so sánh như vậy chưa thoả đáng.

Nói về khía cạnh chuyên môn của ngành thì rất nhiều vấn đề, không thể đánh đồng để so sánh. Vậy thì cơ quan kiểm toán cũng nên làm sao để khi có kết luận, đơn vị được kiểm toán tâm phục khẩu phục thì mới nhận thức được phần sai ở chỗ nào, từ đó làm cho tốt chứ nếu kiểm toán cứ kết luận mà đơn vị còn cho rằng không thoả đáng, còn ấm ức thì kết quả cũng chưa trọn vẹn

PV: Nhưng những con số rõ ràng cho thấy sự chênh lệch đến phi lý, như bà nói, khiến dư luận nghi ngờ có những “lắt léo” sau đó?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Khi kết quả kiểm toán được đưa ra, nhìn vào những mức giá chênh lệnh như vậy, tôi hiểu, điều đầu tiên dư luận nghĩ sẽ hướng đến nghi ngờ có tiêu cực trong việc này. Về nguyên lý, không loại trừ sự bắt tay trong đấu thầu nên dẫn đến chênh lệch giá như thế. Các câu hỏi đặt ra là có căn cứ nhưng để kết luận thế nào thì phải là cơ quan chức năng chứ tôi không suy diễn gì được, tiêu cực cũng chỉ là một khả năng.

PV: Là một người trong ngành, phụ trách quản lý về dược trong thời gian dài, bà giải thích thế nào về việc các bệnh viện, cùng sản phẩm lại có mức giá chênh lệch lớn như vậy, dù đã thực hiện đấu thầu như kiểm toán nêu?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Với tư cách người đã làm trong ngành, cũng liên quan nhiều đến việc mua sắm từ thuốc tới trang thiết bị y tế, tôi có thể nói, việc này rất phức tạp. Vậy nên nếu không thống nhất quan điểm với nhau thì năm nay kiểm toán cho kết quả như này thì cũng không có gì đảm bảo năm sau tiếp tục kiểm toán mà tình hình khác đi.

Chuyện này sẽ tiếp tục lặp lại, khi mà vẫn còn cơ chế đấu thầu mua sắm tại từng bệnh viện như vậy, nguyên nhân có thể là do tiêu cực nhưng cũng có thể do khách quan mà phải đi sâu vào từng việc cụ thể mới nói được, không thể áp đặt.

PV: Nhưng tại sao chúng ta không giải quyết tận gốc vấn đề này, tại sao cái gì cũng phải đấu thầu? 

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Bởi vì chúng ta có cơ chế tự chủ trong bệnh viện, tại sao không khoán kinh phí bệnh viện trong năm đó phải chừng đó bệnh nhân, phải hoàn thành nhiệm vụ và tự chủ thì phải tăng cường năng lực, trách nhiệm của Hội đồng lo mua sắm thiết bị cho bệnh viện.

Bệnh viện tìm hiểu thông tin của nhau, cũng như bản thân ngành, Vụ trang thiết bị có thể đưa các giá đã trúng thầu lên, nếu như ở nơi đâu có tiêu cực, họ thấy thì cũng phải chùn tay.

Khi đã đấu thầu, không phải lúc nào doanh nghiệp với mặt hàng tốt nhất và giá cả hợp lý nhất cũng vào được vòng trong và trúng thầu. Đôi khi bị rơi rụng trước vì lý do hồ sơ kỹ thuật hay rơi rụng có thể do khách quan, hoặc tiêu cực, có nhiều khả năng xảy ra.

PV: Vì sao có những thiết bị y tế ít tiền như là kim tiên, kim truyền…thì thì mua bằng giá hoặc thấp hơn. Còn những loại thuốc đắt tiền, hóa chất… thì gía cao ngất ngưởng. Những cái đó tự chung lại người bệnh luôn phải gánh chịu chi phí này, bà nghĩ sao?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Đúng vậy, cũng vì thế nên người ta có quyền nghi ngờ ở đây có tiêu cực. Ai thì cũng có lý lẽ của mình thì chỉ có thể đối chiếu là việc làm như thế có phạm luật hay không. Nếu phạm luật phải xử lý còn nếu không phạm mà vẫn thấy gợn thì nghĩa là luật chưa ổn, cần xem lại luật.

Luật Đấu thầu cho phép đấu giá theo cả gói thiết bị, thuốc nhưng vậy thì phải xem giá của tổng thể gói thầu đó, nếu không vượt giá kế hoạch đưa ra thì xác định là không phạm luật. Nhưng nếu từ đầu, giá kế hoạch đã đưa ra quá cao thì người ta có tha hồ làm cũng không vi phạm.

Vấn đề kiểm soát cần đặt ra sau các mùa thầu vừa qua là khống chế giá cả gói thầu được vượt và giá của từng sản phẩm cũng phải trong khung thì mới đúng.

PV: Theo lý giải, các bệnh viện cũng khẳng định không có thiết bị, hoá chất nào họ mua sắm vượt giá trần được quy định nhưng thế thì có hợp lý không khi cùng 1 lọ thuốc bán ra hơn 10 triệu là đúng khung giá mà bán hơn 40 triệu cũng vẫn là dưới trần?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Vấn đề này phải đặt ra với Bộ Y tế. Nếu giá trần ta xây dựng ban đầu quá thấp thì đấu thầu sẽ thất bại, không mua được hàng nhưng nếu xây dựng giá trần quá cao thì cũng lãng phí và tạo điều kiện để thông thầu, nâng giá lên.

Theo tôi, việc này Bộ Y tế, cụ thể là Cục Trang thiết bị phải đứng ra làm vai trò quản lý nhà nước của mình, thống kê giá của từng mặt hàng trên thị trường để làm căn cứ cho các bệnh viện quyết định. Phải nói thẳng là lĩnh vực trang thiết bị làm sẽ không quá khó, đơn giản hơn việc xây dựng giá thuốc nhiều. Nhà cung cấp cũng chỉ có 2 loại, hoặc là hàng hiệu của các nhà cung cấp quốc tế, có giá chung hết rồi hoặc là hàng Trung Quốc.

Còn việc tại sao giá chênh lệch đến vậy, tại sao giá trần lại “loạn xị” như thế thì chính tôi cũng không hiểu và nói thật lẽ ra việc này mình có thể làm được. Các bệnh viện hoàn toàn có thể tham khảo lẫn nhau, nếu không làm được thì có thể qua Bộ Y tế. Rõ ràng, ta tắc trách trong chuyện này và tạo ra kẽ hở cho nhiều vấn đề phát sinh.

Cá nhân tôi thì muốn là đừng thực hiện đấu thầu như thế nữa nhưng nếu bắt buộc phải đấu thì cơ quan nhà nước phải thể hiện vai trò, phải lọc giá làm cơ sở cho các bệnh viện tham khảo, định giá. Việc này, theo tôi, cần luật hoá.

PV: Đã từng nhiều lần nêu quan điểm, tranh luận tại Quốc hội về vấn đề này, theo bà, điểm căn bản nhất để giải quyết căn cơ chuyện phi lý đã tồn tại lâu nay này như thế nào?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Vấn đề lớn hơn sau việc này dẫn đến suy nghĩ về hướng để giải quyết dứt điểm tồn tại. Ở đây ta có cơ chế tự chủ cho bệnh viện thì sao không thực hiện khoán kinh phí và chỉ quản lý theo chỉ tiêu, ví dụ trong năm bệnh viện phải phục vụ một mức bệnh nhân cụ thể để tăng cường trách nhiệm của hội đồng mua sắm trong bệnh viện.

Tính căn cơ thì phải nhấn mạnh đến việc tự chủ của bệnh viện vì khi đã tự chủ rồi chẳng lẽ bệnh viện không tự mua được máy móc, thiết bị cho mình? Thử nhìn các bệnh viện tư nhân xem họ có phải mua máy đắt không, tại sao những chuyện như kiểm toán đề cập chỉ xảy ra ở bệnh viện công. Cứ dính đến tiền nhà nước là có chuyện.

Xin cảm ơn đại biểu!

Theo VOV


Lượt xem: 35

Trả lời