Người dân ở “thành phố khách sạn” Đà Nẵng thiếu nước sạch

Cập nhật 26/6/2017, 08:06:58

Nắng nóng gay gắt cùng với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng khiến một số khu vực ở thành phố Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt.

Trung bình, mỗi ngày người dân thành phố sử dụng hơn 300.000 m3 nước, nhưng tổng công suất các nhà máy chỉ khoảng 210.000 m3. Nhiều nơi, hạ tầng cấp nước chưa được đầu tư, hoặc hư hỏng nên không đủ khả năng cấp nước.

Nằm lọt thỏm giữa dãy khách sạn cao tầng, khu dân cư ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng với gần 60 hộ dân luôn phải chịu cảnh thiếu nước sạch. Đồng hồ nước lúc chạy lúc không, người dân phải canh chừng để hứng từng xô nước sạch dùng trong sinh hoạt. Nhiều gia đình đành mua nước đóng bình để nấu ăn.

nguoi dan o thanh pho khach san da nang thieu nuoc sach hinh 1
Nguồn nước máy chỉ đủ dùng để rửa rau, nấu nướng (Ảnh: Báo Tài nguyên môi trường)

Ông Lê Duy Khoa ở Tổ 8A, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà than thở: “Không có nước cho nên tui phải thức dậy 12 giờ rưỡi đêm đến 2 giờ sáng mới hứng được nửa thùng thôi, thêm 1 buổi sáng nữa mới đầy thùng. Còn bơm nước thì nhiều nhà bị ô nhiễm nên nước uống không được. Uống vô là ngứa, tắm cũng không được”.

Người dân ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà cho biết, những năm trước, nước thủy cục tuy yếu nhưng cũng đủ để dùng. Thời gian gần đây, khu vực này trở thành “phố khách sạn” nên nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nước máy liên tục bị thiếu hụt.

Ông Lê Văn Khoa, Tổ trưởng Tổ 9, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà cho biết, trước đây nhiều người sử dụng giếng khoan nhưng do nước ngầm ở đây bị nhiễm phèn nên người dân chuyển sang dùng nước máy.

“Khu dân cư Tổ 9 tình trạng thiếu nước thủy cục trầm trọng. Mấy năm trước chưa có khách sạn thì nước rất mạnh, mấy năm nay khách sạn mọc lên thì thiếu nước, nhân dân không có nước để dùng”.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 4 nhà máy nước. Trong đó, 2 nhà máy nước Hải Vân và Sơn Trà sử dụng nguồn nước suối trên núi, vào mùa nắng nóng thường cạn kiệt. Nguồn cung cấp nước chính cho gần 1 triệu dân thành phố chủ yếu từ Nhà máy nước Cầu Đỏ, với công suất khoảng 170.000 m3/ngày đêm và Nhà máy nước Sân Bay khoảng 3.000 m3/ngày đêm.

Khu vực ven biển thuộc các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn với hàng loạt nhà hàng, khách sạn cao tầng mọc lên, cùng với tăng mật độ dân cư nhanh chóng khiến việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật cấp nước không theo kịp.

Theo các chuyên gia thì sự phát triển “nóng” ở một số khu vực của thành phố Đà Nẵng không chỉ gây thiếu nước sạch sinh hoạt mà còn đối mặt với tình trạng “quá tải hạ tầng” hay “mất kiểm soát phát triển” hạ tầng ven biển.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Chung, Nguyên Viện phó Viện Quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Bởi mật độ tập trung người ở đây quá lớn do việc xây dựng quá nhiều khách sạn cao tầng, không phải chỉ có quá tải hệ thống cấp nước mà sau này còn có thể quá tải nhiều thứ khác nữa”.

UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch cấp nước thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, dự báo nhu cầu sử dụng nước, bao gồm nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, dịch vụ… của thành phố đến năm 2020, trung bình mỗi ngày cần hơn 380.000m3, thời điếm nắng nóng có khi lên đến hơn 450.000m3 nước. Đến năm 2030, nhu cầu sử dụng nước toàn thành phố hơn 700.000  m3 mỗi ngày, mùa nắng nóng cần trên 800.000m3.

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước thành phố Đà Nẵng cho biết, để đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng nước của người dân thành phố, công ty thay thế các máy bơm, cải tạo một số tuyến đường ống cung cấp cũ để tăng lưu lượng. Tuy nhiên, vấn đề thiếu nước vẫn chưa giải quyết được căn cơ.

“Chúng tôi muốn kêu gọi người dân thành phố cũng như các đơn vị sử dụng nước một cách tiết kiệm. Tranh thủ vào ban đêm lấy nước chứa chứ còn ban ngày hiện nay thì chính vì công suất các nhà máy thiếu như vậy rồi mà chúng ta còn sử dụng đồng loạt vào ban ngày nữa thì nước càng thiếu thêm”- ông Hương nói./.

Theo VOV


Lượt xem: 36

Trả lời