Điện Biên: Nỗi ám ảnh giao thông Nậm Pồ

Cập nhật 09/12/2016, 13:12:06

Giao thông ở đây đã trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ của bà con địa phương, cũng như những ai đã có dịp đến Nậm Pồ

Chưa đầy 200 km, nhưng đi từ tỉnh lỵ Điện Biên đến huyện Nậm Pồ có lúc mất cả ngày đường. Thậm chí có thời điểm, Nậm Pồ trở nên biệt lập, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Giao thông ở đây đã trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ của bà con địa phương, cũng như những ai đã có dịp đến Nậm Pồ. Nguyên nhân là do đường giao thông từ tỉnh về huyện hư hỏng vẫn đang trong thời gian sửa chữa, nâng cấp, các tuyến đường từ huyện đi trung tâm các xã hay liên xã chưa được đầu tư, đáp ứng việc đi lại của đồng bào…

dien bien mach mau nam po van lo tac nghen hinh 1
Đường bùn đất ngập ngụa, thường xuyên ách tắc.

Một chiếc ủng – đây là thứ không thể thiếu với những ai đi đến, hoặc cần di chuyển bằng phương tiện xe máy ở Nậm Pồ. Nơi đây, mùa mưa ngập ngụa bùn đất, mùa nắng bụi đỏ đầu, khiến bất cứ ai 1 lần đến Nậm Pồ cũng không thể quên. Còn với người dân ở đây, dù đã quen, nhưng việc đi lại với họ vẫn như “cơn ác mộng”. Anh Vàng A Phần ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Chưa giải cấp phối nên mùa khô thì rất vất vả là đường bụi; mùa mưa thì đường rất trơn, đi lại rất khó; có bản còn không đến được, rất khó khăn”.

dien bien mach mau nam po van lo tac nghen hinh 2
Một đoạn đường sạt lở, ách tắc.

Còn anh Sùng A Sáng, người dân bản Định Tinh 1, xã Phìn Hồ, huyện Mường Chà – người thường xuyên qua lại trên tuyến đường km45 – Nà Hỳ thì cho biết: Đẩy, dắt xe, hoặc phải chờ đợi do sạt lở, ách tắc là việc thường ngày.

Đoạn Km45 – Nà Hỳ có tổng chiều dài 35 km, là tuyến đường lưu thông chính, thuận lợi nhất để nối trung tâm huyện, các xã của huyện Nậm Pồ với Quốc lộ 4H và trung tâm hành chính của tỉnh. Hiện nay, tuyến này đang trong giai đoạn nâng cấp, chưa bàn giao, nhưng nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng. Riêng đoạn từ mốc 4 đi vào Nà Hỳ, nhiều điểm gần như toàn bộ mặt đường nhựa vỡ kết cấu, biến dạng, rạn nứt, lún và xuất hiện nhiều “ổ voi”. Anh Sùng A Sáng cho biết: “Đi nhiều nhưng lần nào cũng phải đợi vì đường bị sạt. Mấy năm rồi đi lại vất vả lắm. Không biết bao giờ mới có đường đẹp để đi”.

dien bien mach mau nam po van lo tac nghen hinh 3
Nhiều phương tiện bị sa lầy, phải kéo nhau trong đêm.

Nậm Pồ được chia tách, thành lập năm 2012. Đến nay, huyện có tổng số 670 km đường nội huyện. Tuy nhiên, mới có 66 km trong số này được bê tông xi măng và rải nhựa, gần 130 km đường cấp phối, còn lại là đường đất mưa xuống là tắc nghẽn. Do việc đi lại, giao thương khó khăn, nên nông sản bà con sản xuất ra rất khó bán….

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ Điêu Bình Dương, hạ tầng giao thông thấp kém chính là một trong những nguyên khiến kinh tế – xã hội Nậm Pồ chậm phát triển; tỷ lệ hộ nghèo của huyện nay còn tới trên 72%: “Giao thông đi lại khó khăn kéo theo đời sống người dân gặp rất nhiều vất vả. Người dân trồng sắn, chở ra chợ đi quãng đường 18 – 20 km mang ra đến nơi bán được khoảng 100 – 200 nghìn tiền sắn đã mất 200 nghìn tiền mua xăng rồi, từ đó công rất thấp. Nếu tư thương đi ô tô vào mua tlại bị ép giá, đâm ra người dân không phát triển được”.

dien bien mach mau nam po van lo tac nghen hinh 4
Ách tắc do đường sạt lở.

Với đặc thù địa bàn vùng cao biên giới, giao thông Nậm Pồ được xem như “mạch máu” không thể tắc nghẽn. Bởi vậy cần có sự quan tâm, đầu tư coi phát triển giao thông là khâu đột phá …. Từ đó, giúp đồng bào các dân tộc giảm bớt khó khăn trong đi lại, thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung./.

Theo VOV


Lượt xem: 50

Trả lời