Xúc động thư gửi mẹ đã mất trong trận bom B52 của nữ nhà báo

Cập nhật 28/12/2017, 07:12:56

45 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về trận Mỹ ném bom tại phố Khâm Thiên- Hà Nội cuối năm 1972 lại ùa về, khiến nhiều người xúc động.

Đêm 26/12/1972, 30 máy bay B52 của quân đội Mỹ đã dội bom xuống đường phố Khâm Thiên, tàn phá nhiều nhà cửa và công trình công cộng.

 xuc dong thu gui me da mat trong tran bom b52 cua nu nha bao hinh 1

Toàn bộ 6 khối phố ở Khâm Thiên hầu như bị xoá sạch trong đêm 26/12. Bom Mỹ đã giết chết 287 người trong đó có 40 cụ già và 55 em nhỏ. Nhiều gia đình không ai sống sót. (Ảnh VnExpress chụp tại triển lãm “Hà Nội – những ngày đêm năm 1972”).

Trận ném bom ấy đã khiến 278 người dân, trong đó có 94 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em vĩnh viễn ra đi. Thêm nữa, 290 người bị thương, 178 cháu nhỏ thành trẻ mồ côi.

Trải qua 45 năm, ký ức đau buồn vẫn in sâu tâm trí những người còn sống. Bà Đoàn Thị Trung – một nữ nhà báo của VOV không bao giờ quên được hình ảnh một khu phố Khâm Thiên bị san bằng, nhuộm màu trắng khăn tang. Trong trận bom B52 đó, mẹ của bà và hàng trăm người dân đã mãi ra đi.

 xuc dong thu gui me da mat trong tran bom b52 cua nu nha bao hinh 2
Đài tưởng niệm phường Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội.(ảnh TTXVN).

45 năm sau trận bom hủy diệt của Mỹ xuống phố Khâm Thiên, bà Đoàn Thị Trung đã viết 1 bức thư gửi mẹ.

“Mẹ ơi!

Nơi này trước đây là nhà mình đây.

Cách đây 45 năm, khi cả nhà mình đang ở nơi sơ tán thì mẹ bảo phải về Hà Nội xem nhà cửa thế nào vì Mỹ tuyên bố ngừng ném bom nghỉ Giáng sinh. Sáng 26/12/1972, mẹ khoác tay nải ra đầu làng Mía đón xe để về Hà Nội. Con ngồi ở thềm nhà nhìn theo cho đến lúc bóng mẹ khuất nơi đầu ngõ. Đấy cũng là lần cuối cùng con nhìn thấy mẹ.

Đêm hôm ấy tiếng súng, tiếng bom rền vang nghe gần đến mức mọi người lần đầu tiên ở nơi sơ tán, phải chạy ra hầm. Bố và con đứng ở cửa hầm nhìn về phía Hà Nội đỏ lửa, chớp sáng liên hồi, ầm vang tiếng bom và bố cứ nhắc đi nhắc lại: “Nó đánh Hà Nội rồi”. Sáng hôm sau, bố gửi con lại cho các cô chú ở cơ quan rồi về Hà Nội. 1 tuần, rồi hai tuần trôi qua mà chẳng thấy tin tức gì, chỉ thấy các cô các bác gặp con cứ xoa đầu rồi thở dài. Linh tính mách bảo điều chẳng lành mà con không dám hỏi ai, chỉ khóc thầm.

Con muốn ra đầu làng đón xe về Hà Nội (vì cách đấy mấy tháng, con- một cô bé 11 tuổi đã từng một mình bắt xe về Hà Nội vì nhớ bố mẹ), nhưng lại sợ vướng chân bố, nhưng trên hết con muốn kéo dài niềm hy vọng vào một phép mầu nào đó, sợ đối diện với sự thật là con mất mẹ. Cho đến khi cơ quan bố cho ôtô lên làng Mía đón con về Hà Nội. Con đứng sững sờ trước một đống gạch cao như núi- nơi cách đấy không lâu còn là nhà mình. Cả phố Khâm Thiên trắng khăn tang và bố cũng cuốn lên đầu con 1 chiếc.

45 năm qua con rất ít khi về thăm nơi này bởi con sợ. Con sợ như nghe thấy vang lên trong đêm tĩnh lặng tiếng nước chảy, tiếng thùng tôn xếp hàng, nhẫn nại rê trên nền gạch chờ hứng nước từ máy nước công cộng ở trước cửa nhà mình. Con sợ như nghe tiếng gà cục tác từ phía cuối sân và mẹ cầm theo mấy hạt muối kéo con chạy xuống cầu thang về phía chuồng gà. Mẹ nhặt quả trứng còn nóng hổi lên, lau sạch, đập thủng 1 lỗ, cho mấy hạt muối vào rồi cho con ăn.

Con sợ nhớ về góc sân nhà, nơi con cùng lũ bạn xúc trộm gạo cho vào ống bơ để nấu cơm chơi đồ hàng. Con sợ nhớ về những buổi tối, trời nóng, nằm trên chiếc phản kê sát cửa sổ hé mắt nhìn bố loay hoay chữa cái quạt do bố tự chế từ chiếc dinamo xe đạp.

45 năm đã qua. Con đã sống ở nhiều nơi. Nhưng trong những giấc mơ, con chỉ mơ về nơi này- nơi có mẹ”.

Theo VOV


Lượt xem: 47

Trả lời